Bất cập logistics "cản chân" nông sản
Mặc dù là chủ đề đã được đưa ra tại nhiều diễn đàn, nhiều cuộc họp, được Chính phủ quan tâm, nhưng chi phí logistics của Việt Nam vẫn quá cao đang “cản đường” nông sản Việt.
Mới đây, không chỉ một mà nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã lên tiếng về việc chi phí logistics quá cao khiến doanh nghiệp gặp khó. Theo đó không chỉ logistics nội địa mà cả chi phí logistics khi xuất khẩu của doanh nghiệp Việt cũng cao hơn nhiều so với các nước khiến doanh nghiệp nông sản Việt giảm sức cạnh tranh.
Chi phí cao do hạ tầng hạn chế
“Một container tôm từ TP.Hồ Chí Minh đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa. Đây là điều hết sức vô lý, đẩy giá thành lên cao”, Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú chia sẻ.
Không chỉ vậy, chi phí logistics đã cao lại còn liên tục tăng cùng việc thay đổi chính sách kiểm dịch thực vật tại nhiều thị trường xuất khẩu đã tác động lớn đến chi phí logistics.
Cụ thể, doanh nghiệp cho biết, xuất khẩu hàng nông sản đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng tới 45% chi phí logistics, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) chi phí logistics của một số chuỗi cung ứng hiện còn ở mức cao, khiến giá thành sản xuất của nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Cụ thể, chi phí logistics của sản phẩm hải sản chiếm 12,1% giá thành sản xuất, con số này với mặt hàng gạo lên tới 29,8%, rau quả 29,5%.
"Nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao là do phí vận chuyển cao gồm giá nhiên liệu cao, quá nhiều trạm thu phí BOT, các chi phí không chính thức khác,… hệ thống hạ tầng còn hạn chế", ông Minh nói.
Thừa nhận thực tế này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, chi phí logistics cho nông sản cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân về hạ tầng, về thủ tục, về sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp nông sản và doanh nghiệp logistics.
Hình thành trung tâm logistics từng loại hình
Do đó, Phó Chủ tịch VLA đề xuất cần thiết phải hình thành các trung tâm logistics hiện đại. Đó không chỉ là nơi tập trung, phân phối nông sản mà còn đảm bảo lưu trữ thời gian dài, thực hiện cả việc sơ chế, từ đó mới phân phối về các siêu thị, cửa hàng hoặc chuyển đi xuất khẩu.
Theo ông Minh, hiện nay Chính phủ đã nhìn rõ vai trò của ngành dịch vụ logistics nên về thể chế đã có nhiều quyết định cũng như kế hoạch hành động quốc gia liên quan đến phát triển ngành này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, cần có quy hoạch logistics theo từng vùng, từng loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đức Huy , Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 đề xuất, để giảm thiểu chi phí logistics cần hỗ trợ đại lý lớn mạnh về năng lực quản lý, hạch toán tài chính, giao nhận hàng, kho lưu trữ, phương tiện vận chuyển để họ mua được trực tiếp từ hệ thống nông dân, vẫn chuyển trực tiếp cho kho nhà xuất khẩu.
Hỗ trợ ban quản lý hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị, tài chính, tổ chức cung cấp các dịch vụ cho nông hộ. Nâng cấp các đường giao thông ở nông thôn hiện nay…
Ông Đỗ Văn Tôn, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông kiến nghị, cần kiểm soát các mức phí mà đại lý hãng tàu tại Việt Nam thu từ các doanh nghiệp; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, loại bớt các trạm thu phí (BOT) hoặc mua lại BOT; miễn giảm phí BOT khi xe trình hóa đơn gốc chở phân bón, nông sản…
Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nông sản và doanh nghiệp logistics, tận dụng hệ thống đường biển, đường sông và đường sắt để giảm chi phí trong vận chuyển nông sản.
Trước đó được biết, Hiệp hội Rau quả cũng đã có kiến nghị nên tăng số lượng công ty chiếu xạ, giảm giá thành logistics, kiểm soát giá cước hàng không và vận tải biển. Hiệp hội Điều kiến nghị, cần kiểm soát những đơn vị cung cấp tàu biển do phí tàu biển chưa được minh bạch, nhiều chi phí bàn nhiều nhưng chưa giảm…
Có thể bạn quan tâm
Chi phí logistics chuyển nông sản từ TP HCM ra Hà Nội cao gấp đôi đi nước ngoài
11:12, 09/07/2020
Doanh nghiệp “hốt hoảng” vì giá logistics
04:22, 15/07/2020
Việt Nam đã "dọn tổ đón đại bàng" thì cũng nên cải tổ lại ngành logistics
05:10, 03/07/2020
Thị trường logistics sẽ sôi động trong thời gian tới
04:30, 23/06/2020