Bộ TNMT nói gì về tác động của dự án lấn biển Cần Giờ?
Tổng cục Môi trường cho biết đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển Cần Giờ theo đúng quy định và kết luận dự án tác động không đáng kể tới rừng ngập mặn.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải - Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường, Bộ TNMT, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án lấn biển Cần Giờ được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư của dự án.
Trong đó thực hiện dự án nhưng phải giữ được rừng ngập mặn Cần Giờ. Phải có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường.
“Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo ĐTM của dự án đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật” - ông Hải khẳng định.
Cũng theo ông Hải, trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ TNMT nhận thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, đã xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.
Ông Hải cho biết, ông là người theo dõi sát sao dự án này và chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ kỹ thuật, chuyên đề nghiên cứu, báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức uy tín ở trong nước và quốc tế.
“Đây là các báo cáo chuyên đề liên quan đến các vấn đề lớn mà dự án có thể gây tác động như: đa dạng sinh thái rừng ngập mặn, dòng chảy tự nhiên, nguy cơ gây bồi lắng, xói lở; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; các tác động về kinh tế - xã hội và có các đơn vị tư vấn có uy tín để lập các mô hình với các kịch bản khác nhau về lan truyền ô nhiễm, thay đổi độ mặn, nước biển dâng” - ông Hải cho biết.
Ông Hải cũng khẳng định, để đảm bảo tính khách quan, cẩn trọng, hồ sơ đề nghị phê duyệt ĐTM của dự án còn có các báo cáo chuyên đề do các cơ quan, tổ chức trong nước và ngoài nước có uy tín thực hiện.
“Dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn Cần Giờ. Như vậy việc thực hiện dự án có vị trí không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của Unesco. Theo kết quả thẩm định ĐTM cho thấy dự án có tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ” - ông Hải chia sẻ thêm.
Dự án lấn biển Cần Giờ được phê duyệt năm 2004 và khởi động vào năm 2007, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 8.470 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án mới chỉ dừng chân ở bước chuẩn bị. Mới đây, Chính phủ chính thức phê duyệt điều chỉnh quy mô dự án lên 2.870 ha, gắn với chủ trương chuyển đổi quy hoạch, cơ cấu kinh tế của huyện đảo Cần Giờ, lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ đạo.
Theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt, dự án lấn biển Cần Giờ nằm hoàn toàn bên ngoài khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, cách vùng lõi khoảng 18 km về phía bắc; nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp 34.672,79 ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn là 32.451,02 ha (rừng phòng hộ Cần Giờ); nằm kế cận vùng chuyển tiếp thuộc ranh giới Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng 2 tuyến kênh Rạch Lở, Hà Thanh để dẫn dòng, đảm bảo nguyên trạng tiêu thoát nước khu vực và xây dựng các công trình quản lý, xử lý nước thải, chất thải rắn không để phát tán ra xung quanh. Dự án cũng được cập nhật, lồng ghép quy hoạch kết nối đường giao thông trên cao ngang qua khu vực rừng ngập mặn để giảm thiểu tác động do hoạt động giao thông đến động thực vật dọc tuyến đường này.
Đáng chú ý, phía chủ đầu tư đã nghiên cứu phương án cân bằng đào đắp, lấy đất, cát biển hồ trong dự án và một số nguồn khác như vật liệu từ đào metro, nạo vét sông... với trữ lượng đủ để tiến hành xây dựng, không lấy cát từ nơi khác về đắp biển.
Có thể bạn quan tâm