Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ III): Kịch bản lạc quan khó đạt
VEPR dự báo khả năng cao Việt Nam đạt tăng trưởng 3,8% cả năm 2020. Khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể tăng trưởng 2,2%, còn kịch bản lạc quan 5% được xác định là khó đạt.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong Quý II/2020, đạt 0,36%. Tính chung sáu tháng đầu năm, GDP tăng 1,81%.
Những điểm sáng của tăng trưởng
Theo đó, trong bối cảnh khó khăn chung khu vực được cho là điểm sáng giúp tăng trưởng 6 tháng của Việt Nam mức 1,81% là khu vực nông nghiệp. “Khu vực nông nghiệp trở thành điểm sáng của tăng trưởng 6 tháng vừa qua, đóng góp vào mức tăng trưởng chung là 12%, gấp đôi cùng kỳ”, Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định.
Bên cạnh đó, khu vực đóng góp thứ hai là chế biến chế tạo, đóng góp khoảng 5% vào mức tăng trưởng chung. Một phần do đầu tư công và hoạt động xây lắp vẫn diễn ra trong quá trình giãn cách.
Cũng trong sáu tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 7,3%, tổng vốn đăng ký mới giảm 19% và tổng số lao động đăng ký giảm 21,8% so với sáu tháng đầu năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Sáu tăng 3,17%, lạm phát bình quân sáu tháng đầu năm 2020 ở mức 4,19% do giá lương thực, thực phẩm tăng. Tỷ giá trung tâm gần như đi ngang trong suốt Quý 2/2020. Trong khi đó, tại NHTM, tỷ giá có xu hướng giảm. Tỷ giá có thể giữ mức thấp đến hết năm do đồng USD có xu hướng suy yếu.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia của VEPR nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại. Cũng như tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Kịch bản lạc quan khó xảy ra
“Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc. Sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng. Xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại. Sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương.
“Tăng trưởng của chúng ta phụ thuộc nặng nề vào tăng trưởng vào khu vực FDI và thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu. Chất lượng lao động thấp, hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề, tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp là những thách thức cho tăng trưởng những tháng cuối năm”, Kinh tế trưởng VEPR nói.
Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam VEPR dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch.
Theo đó, với việc gỡ bỏ phong tỏa xã hội sớm hơn dự kiến từ cuối tháng Tư so với dự kiến cuối tháng Năm trước đây, VEPR có cơ sở nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên so với các dự báo trước.
“Khả năng cao nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2% do những diễn biến bất lợi của bệnh dịch”, PGS TS Phạm Thế Anh nhận định. Đồng thời cho rằng kịch bản lạc quan mức 5% khó xảy ra.
Trước đó, 3 kịch bản tăng trưởng được VEPR đưa ra là kịch bản lạc quan nhất GDP có thể tăng khoảng 5%. Ở kịch bản trung tính, GDP có thể tăng khoảng 3% – 4% còn kịch bản bi quan tăng trưởng chỉ khoảng 1% - 2%.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ II): Lo chất lượng tăng trưởng tín dụng và đầu tư công
06:15, 17/07/2020
Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (kỳ I): Những chỉ báo quan trọng
06:30, 16/07/2020
Nhận diện những yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng cuối năm
05:00, 14/07/2020