Năng lượng tái tạo mở ra bước ngoặt giao thương mới giữa Phần Lan và Việt Nam
Việc Việt Nam mở ra các chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Phần Lan tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Sự dịch chuyển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã mở ra những bước ngoặt mới, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện quốc gia, giúp giảm phát thải khí, phát thải nhiệt ra ngoài môi trường, hướng tới một nền tăng trưởng năng lượng xanh, hiện đại. Đồng thời đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư, kết nối giao thương giữa nhiều vùng miền đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Trao đổi về vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với ngài Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông Kari Kahilouto về đầu tư vào năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng mới tại Việt Nam.
- Thưa ông, trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Phần Lan đến nay đã có sự chuyển mình ra sao?
Việt Nam và Phần Lan đã trải qua 45 năm phát triển quan hệ ngoại giao hữu nghị. Đến nay, Việt Nam đã là một quốc gia phát triển tương đối, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, chính vì vậy, Phần Lan sẽ chuyển dịch hình thức hợp tác truyền thống sang phát triển thương mại giao thương giữa hai đất nước. Những lĩnh vực chú trọng bao gồm: Đổi mới sáng tạo, Năng lượng, Du lịch, Giáo dục,... Đây là những lĩnh vực Phần Lan đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và Việt Nam vẫn luôn là nước có vị trí chiến lược trong lĩnh vực này.
Trong thời gian qua, Phần Lan đang cố gắng phối hợp để thúc đẩy các công ty, tập đoàn lớn tham gia vào thị trường Việt Nam. Thông qua Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam, Phần Lan cũng có những doanh nghiệp lớn tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tham gia, với mong muốn cung cấp các giải pháp công nghệ hữu hiệu để phát triển hệ thống năng lượng hỗn hợp hiệu quả.
- Vậy xin ông có thể lí giải lí do vì sao các doanh nghiệp Phần Lan hoạt động trong lĩnh vực tái tạo đến thời điểm này mới lựa chọn đầu tư vào Việt Nam?
Về thời điểm lựa chọn đầu tư, tôi cho rằng đến mới đây, khi Nghị quyết Số 55-NQ/TW năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mang tư duy mới trong phát triển năng lượng quốc gia. Đồng thời đây cũng đang là thời điểm dịch chuyển toàn cầu sang năng lượng sạch.
Những công nghệ mới như công nghệ điện mặt trời, điện gió và chuyển hoá rác thải thành năng lượng ngày nay đã chứng minh thế mạnh về kinh tế và môi trường, so với nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống hàng thế kỷ qua.
Phần Lan đã có quá trình hợp tác lâu dài với Việt Nam và đây chính là thời điểm thích hợp để thúc đẩy hợp tác hơn nữa, chuyển đổi từ viện trợ không hoàn lại trước đây sang phát triển thị trường và thúc đẩy giao thương thương mại giữa hai nước.
- Xin ông cho biết, đâu là điểm hấp dẫn đầu tư năng lượng tái tạo tại thị trường Việt Nam?
Theo tôi, Nghị quyết 55 về Định hướng phát triển năng lượng quốc gia sẽ đặt Việt Nam vào lợi thế hiện hữu của các công nghệ hiện đại và các nguồn đầu tư xanh của thế giới. Ngoài ra, vị trí địa lý của Việt Nam trong quá trình công nghiệp và đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế 4.0 đang mang lại tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các nguồn năng lượng mới.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng là triển khai thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhiệm vụ đề ra trong Nghị Quyết 55 vào thực tế quy hoạch và hành động, đặc biệt là trong Quy hoạch Điện VIII.
Phần Lan hiện đang có nhiều công nghệ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của Việt Nam về lĩnh vực năng lượng ở hiện tại cũng như trong tương lai. Chính phủ và các công ty công nghệ tiên tiến của Phần Lan như Tập đoàn Wärtsilä với công nghệ nhà máy sử dụng động cơ khí ICE linh hoạt, Công ty Fortum với công nghệ giảm thiểu khí thải nhiệt điện độc hại, hay tổ hợp TRIO với giải pháp kinh tế hiệu quả xử lý rác thải thành năng lượng, sẽ cung cấp giải pháp công nghệ hữu hiệu, phát triển hệ thống năng lượng hỗn hợp hiệu quả như đề ra trong Nghị Quyết 55.
Trong tổng thể hợp tác, lĩnh vực năng lượng là chủ đạo và có tiềm năng để hai nước hợp tác phát triển. Hiện giá trị hợp tác giao thương giữa Việt Nam và Phần Lan vẫn còn ở mức nhỏ. Do vậy, Chính phủ và Đại sứ quán Phần Lan muốn hỗ trợ các doanh nghiệp lớn của Phần Lan có thể giam gia thị trường Việt Nam. Khi đó, khối lượng giao thương giữa hai nước sẽ tăng và thúc đẩy thương mại đầu tư.
- Với kinh nghiệm đầu tư và phát triển năng lượng từ Phần Lan, xin ông chia sẻ kinh nghiệm cũng như giải pháp nhằm tối ưu hóa khả năng khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam?
Thể chế chính sách đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển kinh tế của một đất nước nói chung và đối với từng lĩnh vực nói riêng. Vấn đề quan trọng là thể chế cần phải rõ ràng, cơ chế thị trường được áp dụng một cách triệt để càng tốt.
Mặt khác, Việt Nam thường có xu hướng sử dụng các công nghệ cũ, không tiên tiến, điều này cần phải thay đổi. Làm sao để các nhà đầu tư có thể áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, như vậy, việc đầu tư mới nhanh chóng gặt hái thành công và khai thác tối ưu các tiềm năng lợi thế bao quanh nó.
Ngoài ra, Việt Nam cần tạo cơ chế thông thoáng cho các hoạt động thương mại mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, như vậy mới hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Và tất nhiên, Phần Lan chúng tôi có những công nghệ đã được kiểm chứng, công nghệ cao, thân thiện môi trường và có thể đóng góp cho sự phát triển kinh tế, sức khỏe của cộng đồng cũng như đảm bảo về phúc lợi xã hội. Tất cả những yếu tố đó giúp chúng tôi mong muốn nâng cao hợp tác với Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
TGĐ nhà máy điện mặt trời Hòa Hội: "Con đường đầu tư vào năng lượng tái tạo không hề bằng phẳng"
16:07, 22/07/2020
Hạ tầng truyền tải không theo kịp dự án năng lượng tái tạo
21:34, 09/07/2020
Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư
10:36, 22/07/2020
Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Công suất lưới truyền tải "kìm chân" doanh nghiệp
11:53, 22/07/2020