Nông sản Việt Nam: Cần Chính phủ hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia

Phương Thanh 24/07/2020 11:00

Việt Nam là quốc gia có những mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, "thương hiệu quốc gia cho nông sản sản Việt Nam" vẫn chưa được định danh trên thị trường quốc tế.

Chưa có cách thức "làm" thương hiệu

Việt Nam là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN, đã tham gia hàng loạt các hiệp định FTA thế hệ mới. Đây là cơ hội lớn để hàng hoá nông sản Việt được nâng cao giá trị cạnh tranh khi vào thị trường quốc tế, bởi phần lớn thuế quan được cắt giảm sẽ tạo cơ hội cho nông sản Việt Nam khi mở rộng thị trường.

Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực

Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra không ít thách thức trong cạnh tranh với nông sản từ các nước khác. Vì hầu hết các mặt hàng nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia trên những thị trường lớn.

Đánh giá về thực trạng trên bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang (Ủy Viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam) nguyên nhân trên là do đa phần các doanh nghiệp Nông sản Việt Nam không chú trọng xây dựng thương hiệu, do một phần vì không đủ cơ sở về truy xuất nguồn gốc (mã vùng, mã xưởng) và phần còn lại là do nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nên không đủ điều kiện được cấp chứng nhận tem truy xuất nguồn gốc. Vì thương hiệu nông sản không dễ làm như các sản phẩm công nghiệp khác, nó phụ thuộc vào cả chuỗi từ khâu sản xuất đến thu mua, sơ chế, chế biến và bán hàng. Nếu không có khả năng làm chủ/dẫn dắt chuỗi sản phẩm thì rất khó để làm thương hiệu cho nông sản.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang.

Thực tế nông sản tươi của Việt Nam tính đến thời điểm này chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, theo con đường tiểu nghạch, mà chủ yếu là thương lái Trung Quốc qua Việt Nam để thu mua về. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản, xuất khẩu theo thương hiệu của người mua, chẳng hạn như trái chuối của Việt Nam bán trong siêu thị trong nước cũng đa phần mang thương hiệu của nước ngoài.

Ở chiều ngược lại, hàng xuất khẩu hàng Việt Nam cũng thông qua thương hiệu nước ngoài, hay qua bên trung gian còn Việt Nam chỉ đóng vai trò là quốc gia cung cấp nguyên liệu. Chẳng hạn về cà phê, doanh nghiệp Việt chỉ bán hạt cà phê cho các đơn vị rang xay lớn trên thế giới, sau đó các doanh nghiệp nước ngoài đã chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán ra thị trường. Do đó đến nay tại thị trường nước ngoài, cà phê Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu quốc gia.

Cần chính sách thiết thực từ Nhà nước

Để cải thiện tình trạng trên các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần có ý thức chung tay xây dựng thương hiệu quốc gia, xác định hướng đi đúng đắn để bảo vệ mình. Nếu gia công cho thương hiệu nước ngoài thì nên có chiến lược bài bản để xây dựng thương hiệu cho riêng mình, tránh phải lệ thuộc và chịu rủi ro về sau.

Song song với những nỗ lực của doanh nghiệp thì Nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn như trong trường hợp này, doanh nghiệp không thể làm được mã vùng canh tác, mã xưởng...

Do đó, Nhà nước cần đẩy nhanh các văn bản hướng dẫn và thực hiện mã vùng trồng, mã xưởng... cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Quản lý chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên lưu thông (kể cả xuất khẩu), đảm bảo công bằng tránh làm giả xuất xứ nông sản (giả mã vùng, mã xưởng) thì mới có thể thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam.

Cơ quan chức năng cần cẩn trọng trong các điều khoản cấp chứng nhận C/O vì xuất xứ hàng hóa cũng đã từng có nhiều kẽ hở để các thương nhân, doanh nghiệp lợi dụng giả mạo xuất xứ nông sản Việt nam để hưởng thuế nhập khẩu vào một số quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cho rằng cần hướng tới sản xuất hữu cơ trên diện rộng, bởi an toàn không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn nâng cao giá thành, giá trị của sản phẩm.

Minh chứng cho giá trị của thương hiệu. Mới đây sản phẩm gạo ST25 của Việt Nam lần đầu tiên giành được thứ hạng cao nhất trên thế giới, vượt qua cả gạo Thái Lan. Đây cũng là cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cho gạo Việt Nam. Nếu không nỗ lực khẳng định thương hiệu thì gạo Việt khó có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, Kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ của giống gạo ST25 cho biết, đối với ngành gạo Việt Nam, Nhà nước chưa có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và quản lý thương hiệu gạo thơm nên chúng ta cần xúc tiến nhanh, tránh việc tự phát, hiểu sai, làm sai dần dần trở thành khó sửa và mất đi cơ hội bứt phá khỏi nhóm gạo giá thành rẻ. "Trong đó doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu cho riêng mình bằng những kỹ năng riêng theo những quy chuẩn Nhà nước đã ban hành thì Nhà nước cũng cho phép sản phẩm của doanh nghiệp đó mang thương hiệu quốc gia" - KS Hồ Quang Cua khẳng định.

Đồng quan điểm trên, Ông Lý Thái Hưng - GĐ Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: Doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được chiến lược xây dựng thương hiệu, chưa có kế hoạch thiết lập quỹ đầu tư để truyền thông, quảng bá về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mình. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần kinh doanh có đạo đức, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, để tạo dựng giá trị cốt lõi về chất lượng uy tín về sản phẩm. Tiếp theo đó là vấn đề phối hợp chặt chẽ, tương hỗ với nhau như kiềng 3 chân giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực, làm đầu tầu phát triển, các doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện theo chiến lược của các thương hiệu lớn.

Trước thực trạng trên cho thấy, thương hiệu là một trong những hạng mục quan trọng nhất và đó là một hành trình dài, bền bỉ nên các doanh nghiệp Việt cần chú ý đến và kiên trì bồi dưỡng thực hiện từ năm này qua năm khác và có thể gây dựng lên tới vài chục năm. Để có được những công ty với tên tuổi lớn với trị giá tỷ USD thì không thể thiếu vai trò của thương hiệu, chính vì thế, hành trình ấy cần được khởi động và đầu tư đúng mức, đúng hướng ngay từ hôm nay.

Phương Thanh