Nhà đầu tư muốn "nới", vì sao EVN đề xuất không gia hạn ưu đãi giá điện gió?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa chính thức có văn bản góp ý gửi tới Thủ tướng Chính phủ về đề nghị kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió.
Theo đó, để đảm bảo truyền tải công suất của các dự án điện gió và hướng tới cơ chế đấu thầu, đảm bảo minh bạch, tăng tính cạnh tranh, góp phần giảm giá mua từ các dự án điện gió, EVN đề nghị không kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại quyết định 39/2018/QĐ-TTg.
Hiện giá mua điện gió trên bờ theo Quyết định 39/2018 là 8,5 cent một kWh, còn ngoài khơi là 9,8 cent một kWh với các dự án vận hành trước ngày 1/11/2021. Đến nay đã có 4.800 MW điện gió được bổ sung vào quy hoạch, trong khi số dự án vào vận hành tới đầu tháng 7 năm nay mới đạt 11 dự án, công suất 429 MW.
Đáng nói là gần đây, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc sẽ bổ sung tiếp 7.000 MW điện gió nữa vào quy hoạch nhưng hiện vẫn chưa có quyết định cụ thể để hiện thực hoá vấn đề này.
Khá nhiều nhà đầu tư điện gió "kêu" khó khăn trong triển khai dự án và muốn gia hạn giá FIT ưu đãi thêm 2 năm so với thời hạn tháng 10/2021. Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết các doanh nghiệp đầu tư điện gió tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ông, thời hạn cuối giá FiT chỉ được kéo dài đến ngày 30/10/2021, sau đó doanh nghiệp sẽ không được hưởng giá điện ưu đãi 8,5 cent nữa. Từ nay đến lúc ấy, chỉ còn hơn 1 năm, trong khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các nước vẫn đang đóng cửa biên giới khiến doanh nghiệp điêu đứng. Cũng bởi, toàn bộ những thiết bị để xây dựng nhà máy điện gió tại Việt Nam các đơn vị đều phải nhập khẩu, còn chuyên gia nước ngoài thì không thể đến đánh giá được.
Đặc thù thiết bị về điện gió thì phải “may đo”, sản xuất theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp mất ít nhất 1 năm để sản xuất thiết bị rồi mới chuyển về Việt Nam. Trong khi tình hình dịch bệnh hiện này thì chưa biết bao giờ các nước mở cửa giao thương, còn thời gian ưu đãi thì đang dần hết hạn. Do đó, những dự án điện gió mới, dự án chưa được phê duyệt từ trước thì rất khó để đáp ứng được?
Theo ông Huân, các nhà đầu tư điện gió đều mong muốn Chính phủ gia hạn giá FIT để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải có chính sách ổn định, dài hạn đối với điện gió, tránh tình trạng một vài năm lại thay đổi chính sách khiến doanh nghiệp xoay như “chong chóng”.
Liên quan tới cơ chế đấu thầu giá điện gió sau 2021, lãnh đạo EVN cho rằng, có thể thí điểm từ cuối năm 2021, sau thời hạn hết hiệu lực của giá FIT cho điện gió theo quyết định 39/2018. Tiêu chí, cơ chế đấu giá điện gió sẽ rút kinh nghiệm từ triển khai thí điểm đấu thầu giá điện mặt trời dự kiến bắt đầu vào đầu năm 2021.
Trong văn bản gửi Chính phủ, EVN đề nghị Thủ tướng xem xét giao chủ đầu tư dự án điện gió thực hiện các dự án lưới điện đồng bộ đấu nối vào lưới quốc gia, nhằm đảm bảo tiến độ vận hành thương mại và khả năng giải tỏa công suất dự án. EVN cho rằng kiến nghị này nhằm đảm bảo truyền tải công suất các dự án điện gió, chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu, tăng tính cạnh tranh và giảm giá mua các dự án.
Có thể bạn quan tâm
Các nhà đầu tư điện gió đang bị o ép cả về giá và tiến độ sản xuất
02:31, 24/07/2020
Do đâu hàng chục nhà máy điện gió, điện mặt trời phát sai công suất?
05:30, 17/07/2020
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu phản ánh về điện gió của Diễn đàn Doanh nghiệp
07:50, 04/07/2020
Đầu tư điện gió: Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Chính phủ
04:00, 26/06/2020
Cần chính sách hỗ trợ để đầu tư vào điện gió
08:05, 18/06/2020
Cần có cơ chế minh bạch để phát triển điện gió
09:02, 10/05/2020