Hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam (Kỳ II): Sáng kiến để “vượt mặt” du lịch Thái Lan
Chuyên gia khuyến nghị tăng cạnh tranh thông qua mở rộng chính sách thị thực, phát triển du lịch bền vững, kết nối hạ tầng và quảng bá chuyên nghiệp nhờ kết hợp tốt nguồn lực tư nhân với quốc gia...
Ở bài trước, chúng tôi đã đề cập đến các ý kiến của chuyên gia cho rằng trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, để phát huy tối đa nguồn lực du lịch Việt Nam nhiều ý kiến cho rằng chuyên nghiệp hoá tạo giá trị gia tăng cao mới là mô hình phù hợp.
Theo ông Nguyễn Tử Anh, nhà sáng lập TropiAd và UP Base Camp, du lịch nội địa vẫn phải là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp và Chính phủ trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt, dịch COVID-19 khiến du lịch quốc tế đóng cửa, du khách nội địa một lần nữa có dịp khẳng định đóng góp và sự tăng trưởng ổn định.
Đa dạng nguồn khách
Cùng quan điểm, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Thiên Minh (Thiên Minh Group) cho biết, cùng với kích cầu du lịch của Chính phủ và các doanh nghiệp, nhu cầu du lịch tháng 7 vừa qua đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này cho thấy khi chúng ta có kích cầu phù hợp sẽ tạo ra nhu cầu còn lớn hơn của khách nội địa.
“Nhu cầu này được tạo ra bởi hai yếu tố sau khi bị kìm nén nhiều tháng liền của dịch, cùng với đó, lượng du khách người Việt trước đây đi nước ngoài nay trở lại trong nước. Thống kê của chúng tôi cho thấy, thay vì đến 90% là khách quốc tế sử dụng các tour du lịch ngắm Vịnh Hạ Long bằng thuỷ phi cơ, du lịch ĐBSCL bằng du thuyền cao cấp hay tour Sơn Đoong...nay 100% khách sử dụng các tour này là khách nội địa”, ông Kiên chia sẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Thiên Minh Group cũng thẳng thắn cho rằng, ngành du lịch Việt Nam không thể phát triển mạnh mẽ nếu thiếu du lịch quốc tế. Khu vực này đóng góp 55% vào phát triển du lịch Việt Nam năm 2019.
Do đó, dù du lịch nội địa có tăng 28% thì cũng không bù đắp được du khách quốc tế, khả năng biên giới mở cửa trở lại trong 6 tháng tới là ít, do đó, phải giữ được khách nội địa cùng với đó quảng bá để có thể đón khách quốc tế trở lại sau khi mở cửa.
“Nhờ vậy khi mở cửa trở lại chúng ta có thể đa dạng nguồn khách để phát triển sau dịch”, ông Kiên nói.
Kết hợp nguồn lực công – tư để vượt đối thủ Thái Lan
Do đó, để chúng ta có thể phát tiển mạnh hơn, vượt đối thủ như Thái Lan, Chủ tịch Thiên Minh Group Trần Trọng Kiên đề xuất, 5 sáng kiến để mở cửa phát triển du lịch sau đại dịch. Thứ nhất, miễn thị thực với một số nước mở cửa lại được xác định là an toàn, phải cạnh tranh như miễn thị thực ở một số thị trường quan trọng như Canada, kéo dài thị thực từ 15 lên 30 ngày.
Thứ hai, đảm bảo du lịch bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường, đảm bảo chát lượng môi trường, chất lượng ko khí và các môi trường xã hội để du khách cảm thấy an toàn.
Thứ ba, tăng kết nối hạ tầng như hạ tầng sân bay. Thứ tư quảng bá chuyên nghiệp tới các phân khúc thị trường.
“Chúng ta hiện mới chủ yếu là sản phẩm du lịch trải nghiệm nên không ai quay lại để trải nghiệm, chúng ta phải phát triển hơn các cụm du lịch nghỉ dưỡng như Nha Trang, chúng ta đang thiếu nguồn lực để quảng bá. Hiện chúng tôi đang phát triển nền tảng số kế hoạch đến năm 2022 để chúng ta hoàn toàn có cơ hội phát triển vượt Thái Lan”, ông Kiên nói.
Đặc biệt, đề xuất thứ năm mà ông Kiên đưa ra là tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp du lịch và Chính phủ. “Việc dùng kết hợp nguồn lực tốt hơn của tư nhân với quốc gia để quảng bá, phát triển du lịch phải tiến hành ngay lúc này. Một cách tôn trọng chúng ta đưa đến thông điệp Việt Nam an toàn sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm...đảm bảo thông điệp đến được với cộng đồng và quốc tế. Việt Nam sẽ mở cửa ngay lập tức khi an toàn cho du khách”, Chủ tịch Thiên Minh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tử Anh, nhà sáng lập TropiAd và UP Base Camp cho rằng, Việt Nam cần quan tâm đến một số yếu tố để hướng đến phát triển du lịch bền vững trong trạng thái mới.
Thứ nhất là vai trò của Nhà nước trong khâu quản lý và xây dựng hành lang pháp lý và hướng dẫn về định hướng, về phát triển lĩnh vực du lịch. Theo ông Tử Anh, các cơ quan còn thiếu những hoạt động thể hiện vai trò "phát triển".
Thứ hai là liên quan đến chiến lược vùng. Việt Nam trải dài trên nhiều địa hình và các vùng miền cũng như văn hoá khác nhau, nên chiến lược vùng rất quan trọng. Bên cạnh đó, chiến lược truyền thông về du lịch có trách nhiệm cũng đóng vai trò rất lớn trong việc định hình đường lối phát triển bền vững.
Kỳ III: Số hoá di sản, quảng bá Việt Nam an toàn, đa dạng
Tọa đàm trực tuyến thảo luận hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị cho những biến động của đại dịch COVID-19 với chủ đề: "Đã đến lúc ngành du lịch tìm được hướng đi trong trạng thái mới?" do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tổ chức. Đây là tổ chức có trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp cho Việt Nam. AVSE Global có mặt trên 20 quốc gia, với hơn 300 hội viên quy tụ hơn 2.000 chuyên gia và là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu. |
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm
Hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam (Kỳ I): Mô hình cao cấp hay dân dã?
15:00, 01/08/2020
Sự phục hồi của ngành du lịch đang rất “mong manh”
11:00, 31/07/2020
Tâm tư của người làm nghề du lịch...
11:56, 27/07/2020
Ngành du lịch Đà Nẵng lại “lao đao”
13:35, 26/07/2020
Đà Nẵng thành công kích cầu du lịch giữa tâm dịch Covid-19?
23:11, 25/07/2020
“Phao cứu sinh” cho ngành du lịch
17:06, 23/07/2020
Du lịch Hội An khởi sắc sau đại dịch
16:43, 22/07/2020