Thủ tướng Chính phủ: Thị trường EU không dành cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì

ĐÌNH ĐẠI 06/08/2020 13:00

Thủ tướng đánh giá, EU luôn là một thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì,...

Sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Cùng dự, có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; các Đại sứ, trưởng phái đoàn đại diện các nước EU; các hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam và EU. Hội nghị kết nối trực tuyến với các điểm cầu ở 63 địa phương trên cả nước.

Các Đại biểu tham dự Hội nghị.

Các Đại biểu tham dự Hội nghị.

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ 1/8. Có thể nói, EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, với nhiều cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi đối với kinh tế và xã hội của nước ta.

Tuy nhiên, do sự hoành hành của đại dịch COVID-19 và chưa biết khi nào sẽ kết thúc nên cả hai Bên sẽ không tránh khỏi một số khó khăn nhất định trong quá trình thực thi Hiệp định quan trong này, việc thực thi thành công Hiệp định trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực của cả phía Việt Nam và EU trong quá trình vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội của cả hai Bên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu năm 2020 liên tục điện đàm với lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó, có điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Hai bên cùng tự hào hướng tới một mốc son quan hệ mới, đó là từ ngày 01/8/2020, những điều khoản của EVFTA chuyển mình mạnh mẽ bước vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp của người dân hai bên. Điều này càng có ý nghĩa khi cả hai bên đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

“EVFTA là một FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường, Hiệp định có thể góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,2 % trong giai đoạn năm năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho năm năm tiếp theo và lên đến 7,72 % cho năm năm sau đó”. Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến, sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42 % vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so kịch bản không có hiệp định và tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Không chỉ thế, Hiệp định còn giúp tăng thêm gần 150 nghìn việc làm mỗi năm. Theo WB, Hiệp định có thể giúp cho 800 nghìn đến một triệu người thoát nghèo vào năm 2030. 

Thủ tướng đánh giá, EU luôn là một thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng. Do đó, EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để nâng cao năng lực cạnh tranh, cần phải có những giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực từng lĩnh vực. Đơn cử, ngành công nghiệp cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút nghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại.

Các sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nên các sản phẩm từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp, gắn với có chế tài với hành vi vi phạm.

"EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên. EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của ta có cơ hội lớn để xuất khẩu sang EU, ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho hàng hóa của châu Âu. Vấn đề là cùng với việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, phải tạo ra một môi trường cạnh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc ký kết và thực hiện các Hiệp định này là một phần không thể tách rời trong tổng thể chính sách mà Việt Nam đã kiên trì thực hiện trong thời gian qua nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, đối mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả phân bổ, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy kinh tế tư nhân và cải thiện môi trường kinh doanh.

“Thực tiễn cho thấy, các Hiệp định này cùng với 67 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết trong 30 năm qua đã góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 5/8: Chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai Hiệp định EVFTA

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 5/8: Chỉ định các cơ quan đầu mối để triển khai Hiệp định EVFTA

    19:28, 05/08/2020

  • Hiệp định EVFTA:

    Hiệp định EVFTA: "Cơ hội vàng" cho nông sản Việt

    02:00, 25/07/2020

  • CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TUẦN TỪ 29/6-4/7: Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8

    CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TUẦN TỪ 29/6-4/7: Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8

    06:22, 04/07/2020

ĐÌNH ĐẠI