Bức tranh kinh tế 7 tháng năm 2020 (Kỳ 1): Mong manh như “đi trên dây”

THY HẰNG 09/08/2020 05:00

Chưa bao giờ các dự báo về kinh tế lại khó như bây giờ, có quá nhiều yếu tố tác động, nhất là các yếu tố liên quan đến dịch COVID-19.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 2,6%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 2,6%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 2,6%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Vòng xoáy suy giảm

Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm sâu. Cụ thể như: khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%, xe máy giảm 7,7%, quần áo mặc thường giảm 7,1%, điện thoại di động giảm 6,3%, khí hóa lỏng LPG giảm 5,4%, thép cán giảm 4,9%, thức ăn cho gia súc giảm 3,9%,...

Trong khi đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, nửa đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó 2,6 triệu lao động mất việc, khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập.

Có thể nói, chưa bao giờ, sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế chứng kiến mức tăng trưởng thấp như thời gian vừa qua. Thậm chí, xu hướng đi xuống của tăng trưởng còn được đánh giá sẽ kéo dài.

Theo đó, đã có 4 thách thức, rủi ro lớn của nền kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra. Thứ nhất là suy giảm kinh tế có thể còn tiếp tục, do kinh tế thế giới còn rất bất định và khả năng phục hồi sẽ chậm hơn so với dự kiến. Thứ hai, khả năng phục hồi xuất khẩu, thu hút đầu tư còn chậm. Thứ ba, các hoạt động dịch vụ, du lịch chỉ vừa mới có sự phục hồi ấn tượng sau thời kỳ giãn cách có nguy cơ phát triển chậm trở lại.

Đặc biệt, nguy cơ nợ xấu của khu vực ngân hàng tăng trở lại, có thể lên tới 3,6 - 4% vào cuối năm 2020, thậm chí cao hơn trong tương lai, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.

Trên thực tế, sau nhiều nỗ lực, kinh tế Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu khá tích cực sau thời kỳ giãn cách xã hội. Tuy nhiên, làn sóng covid-19 thứ hai đang ập đến và có thể “đe dọa” tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

“Sản xuất công nghiệp có xu hướng chững lại sau mức tăng trưởng đột phá của tháng trước, ghi nhận mức tăng trưởng thấp. Thủy sản vẫn gặp khó khăn về xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và du lịch đang trong tháng cao điểm, nhưng khi thời điểm này qua đi và Covid-19 tái bùng phát, tình hình sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận.

Trong bối cảnh đó, IHS Markit vừa công bố, Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 của Việt Nam chỉ đạt 47,6 điểm, giảm 3,5 điểm so với tháng trước do lượng đơn đặt hàng và sản lượng đơn hàng mới đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch. Đây là chỉ báo cho thấy, tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã dùng cụm từ “đi trên dây” để nói về triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh COVID-19. Và những gì đang diễn ra có lẽ còn tồi tệ hơn. Kinh tế toàn cầu đang gặp cú sốc lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay. Và nền kinh tế với độ mở cao như Việt Nam cũng khó có thể thoát khỏi vòng xoáy suy giảm đó.

Gia hạn hỗ trợ

Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam còn chưa kịp phục hồi sau làn sóng COVID-19 đợt 1 đã tiếp tục nhận cú bồi làn sóng lần hai. Chưa tính đến việc có bị giãn cách xã hội một lần nữa hay không, thì việc các địa phương đang gồng mình chống dịch cũng dự báo về việc tăng trưởng âm dự kiến còn tiếp tục.

Cũng bởi những chỉ báo này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, xét về tổng thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ thấp, thậm chí là thấp kỷ lục, có thể là kỷ lục của 35 năm đổi mới.

Ông Cung cho rằng, về mặt ngắn hạn, với điều kiện dịch bệnh, người dân sẽ hạn chế đi lại và chi tiêu nên sẽ giảm sút về lực cầu. Bên cạnh đó, đầu tư công vẫn còn trì trệ, nguyên nhân vì những người thực hiện đều sợ rủi ro, sợ sai nên không muốn quyết định làm nhanh, làm mạnh.

“Trong số các điểm nghẽn, như với việc phân bổ vốn, theo tôi, Quốc hội không nên phân bổ vốn cho từng dự án, từng ngành, từng địa phương nữa, mà Quốc hội chỉ nên làm nhiệm vụ giám sát hiệu quả thực thi, việc phân bổ vốn nên giao Chính phủ quyết định. Hãy trao nhiều quyền hơn cho các lãnh đạo tỉnh, thành phố, các Bộ trưởng trong quyết định đầu tư công”, TS Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.

Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, các chính sách hỗ trợ hiện nay về cơ bản đã đầy đủ, nhưng với tình hình dịch bệnh gia tăng trở lại trong nước thì một số chính sách hỗ trợ nên được gia hạn. Ví dụ như: chính sách giãn, hoãn, miễn thuế… hoặc thay đổi chính sách cho phù hợp với thực tế của người dân, doanh nghiệp.

“Hiện dư địa chính sách không còn nhiều, nguồn lực ngân sách là hữu hạn, nên chúng ta phải tính toán lại, tính toán từ kịch bản tăng trưởng cho đến việc cân đối thu chi ngân sách. Rõ ràng, kịch bản tăng trưởng hiện nay không thể cao, từ đó, tình hình thu ngân sách không thể nhiều, nên để thêm dư địa cho sự hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ có thể phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, bội chi ngân sách, trần nợ công… để huy động nguồn lực trong và ngoài nước”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích. 

Kỳ 2: Kịch bản nào cho những tháng cuối năm

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam sẽ là quốc gia ASEAN duy nhất tăng trưởng dương năm nay

    16:54, 04/08/2020

  • Cổ phần hóa DNNN: "Đòn bẩy" tăng trưởng giữa dịch COVID-19

    11:00, 04/08/2020

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phấn đấu tăng trưởng GDP cao hơn 3%

    14:49, 03/08/2020

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ V): Khuyến nghị thúc đẩy đầu tư công các dự án trọng điểm

    06:00, 27/07/2020

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ IV): Những yếu tố thúc đẩy cho tăng trưởng

    06:30, 22/07/2020

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ III): Kịch bản lạc quan khó đạt

    11:00, 21/07/2020

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ II): Lo chất lượng tăng trưởng tín dụng và đầu tư công

    06:15, 17/07/2020

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (kỳ I): Những chỉ báo quan trọng

    06:30, 16/07/2020

THY HẰNG