World Bank: Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn tiếp diễn
WB vừa công bố Bản tin cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam, nhận định, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp diễn dù chưa thể quay lại nhịp độ như trước cuộc khủng hoảng...
Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Vĩ mô Việt Nam tháng 7: Xuất khẩu Việt Nam có "khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ".
Báo cáo của WB cho thấy, trong tháng 7/2020, cùng với việc nới dần giãn cách xã hội, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục với sản lượng chế tạo, chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng lần lượt 2,1% và 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Trước khi dịch bùng phát lại, kinh tế trong nước vẫn phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 2,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7. Tốc độ tăng này thấp hơn một chút so với tháng 5 và tháng 6.
Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng 4,6% (so cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng trưởng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ đều thấp hơn so với tháng 7/2019. Điều đó cho thấy nền kinh tế chưa thực sự phục hồi lại ở mức như trước khi có khủng hoảng.
Chỉ số CPI của tháng 7 vẫn đi ngang so với tháng 6 còn lạm phát cơ bản ghi nhận mức tăng rất nhỏ. Chỉ số CPI theo tháng đi ngang khiến ta liên tưởng đến chi phí lương thực thực phẩm giảm trong khi chi phí vận tải tăng lên. Tỷ lệ lạm phát tính theo CPI rơi vào khoảng 3,4% (so cùng kỳ năm trước).
Tăng trưởng tín dụng chững lại đáng kể, ở mức dưới 10% trong những tháng gần đây. Bội chi ngân sách dự kiến tăng, do số thu của Chính phủ trong nửa đầu của năm chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019 theo báo cáo do tăng trưởng kinh tế giảm kết hợp với biện pháp giãn nộp thuế cho cá nhân và doanh nghiệp để đối phó với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, các cân đối của Chính phủ cần được theo dõi thận trọng.
Trong bảy tháng đầu năm, tổng giải ngân đầu tư công đạt 203 ngàn tỷ VND, tương đương 42,7% kế hoạch năm và tăng đến 27,2% so cùng kỳ năm 2019. Sau một vài tháng chững lại trên thị trường vốn trong nước, Kho bạc Nhà nước đã huy động được trên 58,67% ngàn tỷ VND (trên 2,5 tỷ US$), tăng 80% so với tháng 6.
Theo WB, trong thời gian tới, quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trước tình hình xuất hiện ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, cùng với việc các biện pháp hạn chế mới được áp dụng. Tuy nhiên, tác động tiêu cực này phần nào được giảm nhẹ do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh việc triển khai các chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương.
WB cũng cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến diễn biến phát triển của dịch bệnh, tác động tài khóa của nó và chính sách xử lý trong trung và dài hạn.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2020, báo cáo cập nhật kinh tế của WB với tựa đề "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19" nhận định rằng, Việt Nam dù sao cũng đang ở vị thế tốt để có thể thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19, ít nhất vì hai lý do.
Một là, Chính phủ đã tích lũy được dư địa tài khóa đủ để triển khai một gói kích thích tài khóa ấn tượng. Tất nhiên, công cụ này phải được sử dụng một cách cẩn trọng, để đảm bảo bền vững nợ và tài khóa trong tương lai. Cũng cần cải thiện được hiệu quả phân bổ và tài chính của chi tiêu công.
May mắn là Việt Nam có thể tận dụng lợi thế thứ hai do sớm thoát khỏi quỹ đạo dịch bệnh trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam có thể nâng tầm dấu ấn của mình trên nền kinh tế thế giới thông qua thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động và giảm thiểu rủi ro với các cú sốc tương lai.
Việt Nam cũng có thể đa dạng hóa thương mại bằng cách gây dựng liên minh với các quốc gia khác có tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp và thông qua xuất khẩu gạo (và nông phẩm khác) đến ngày càng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực.
Nhìn từ trong nước, WB cho rằng, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển các dịch vụ không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp (học tập trực tuyến, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, khám chữa bệnh từ xa) đồng thời tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán công nghệ số. Bước đi như vậy không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu mới nổi mà còn cải thiện được năng lực cạnh tranh của quốc gia nhờ giảm chi phí giao dịch cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Thoát khỏi bẫy kinh tế của Covid-19 lúc này là ưu tiên của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia trong những tháng tới. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam dù sao cũng có cơ hội nhờ đi trước những người khác, qua đó không chỉ giúp nền kinh tế thích nghi với thực trạng mới mà còn có thể truyền lửa cho chính phủ các nước khác trong thời gian tới...
Có thể bạn quan tâm
WB cho Việt Nam vay 84,4 triệu USD giúp ứng phó với biến đổi khí hậu
22:58, 07/06/2020
WB phê duyệt gói hỗ trợ khẩn cấp cho 25 quốc gia ứng phó COVID-19
04:00, 04/04/2020
WB: Kinh tế Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững trước cơn bão COVID-19
16:00, 31/03/2020
Bức tranh kinh tế 7 tháng năm 2020 (Kỳ 2): Kịch bản nào cho những tháng cuối năm?
11:00, 09/08/2020
Bức tranh kinh tế 7 tháng năm 2020 (Kỳ 1): Mong manh như “đi trên dây”
05:00, 09/08/2020
Dịch Covid-19 quay trở lại: Cần huy động thêm nguồn lực để phục hồi kinh tế
16:24, 08/08/2020