Bộ Công thương “đã lắng” nghe về giá điện

SÔNG HÀN 18/08/2020 20:20

“Điện một giá đang đánh đồng tất cả người tiêu thụ điện, cả người dùng nhiều hay dùng ít, như thế vi phạm nguyên tắc xây dựng biểu giá điện, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả”.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại cuộc họp của Bộ Công Thương về dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện ngày 18/8 mới đây, đã nhận được đánh giá cao từ dư luận.

“Điện một giá” được hiểu là bỏ biểu giá điện hiện nay (6 bậc, mỗi bậc tương ứng với mức giá điện khác nhau theo hướng lũy tiến) đi và chỉ áp dụng một mức giá điện thôi. Dùng nhiều hay dùng ít chỉ một giá. Câu chuyện này làm “nóng” diễn đàn thông tấn thời gian qua.

Theo Dự thảo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vừa được Bộ Công Thương lấy ý kiến đưa ra 2 mức giá dành cho điện một giá là khoảng 2.700 đồng/ KWh và gần 2.900 đồng/KWh, tương ứng mức 145% và 155% giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân. Đây là mức giá quá cao và chưa đủ căn cứ để thuyết phục được giới chuyên gia cũng như khách hàng tiêu thụ điện.

Trong khi, bình quân giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay là 1.864 đồng/KWh. Với giá này, ngành điện đang có lãi lớn để tái đầu tư. Nếu điện đồng giá có mức cao hơn giá bán lẻ bình quân thì ngành điện sẽ tiếp tục ghi nhận lãi nhiều hơn nữa. Đây là điều chưa thỏa đáng nếu đặt trong tương quan lợi ích chung của ngành điện và người tiêu dùng.

Mặt khác, số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, khách hàng dùng lượng điện từ 300 số trở xuống là hơn 22 triệu người, chiếm khoảng 72,6% lượng khách hàng với 60% sản lượng điện. Còn dùng từ 400 kWh đến dưới 700 số là khoảng 1,2 triệu khách hàng; từ 701 kWh trở lên là hơn 456 nghìn khách hàng.

Điều này có nghĩa, nếu phương án cho phép người dân được tùy ý sử dụng “điện một giá” hay điện bậc thang được thực thi, tuyệt đại đa số khách hàng vẫn nên dùng giá điện bậc thang. Vì suy cho cùng, biểu giá Bộ Công Thương thiết kế cũng không nằm ngoài mục đích duy trì sự cần thiết dùng giá điện bậc thang nhằm “tiết kiệm điện”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh  Hà Đăng Sơn nhận xét: “Cái tôi kỳ vọng không phải là điện một giá. Điều tôi kỳ vọng là ban hành một cơ chế song song giữa điện bậc thang và việc lắp đặt công tơ 3 giá tính tiền điện sinh hoạt theo 3 khoảng thời gian trong ngày tương ứng với các giờ cao điểm, giờ thấp điểm và giờ bình thường”.

“Điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc quản lý phụ tải trong giờ cao điểm. Dù đã có định hướng, chỉ đạo về lắp công tơ 3 giá cho các hộ gia đình nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa triển khai được. Hy vọng chúng ta sẽ sớm nhìn thấy ban hành giá điện bậc thang và công tơ 3 giá. Như vậy sẽ hiệu quả hơn” – ông Hà Đăng Sơn nói.

Lắng nghe dư luận, chuyên gia về dự thảo phương án “điện một giá”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: “Điện một giá không đảm bảo được sự quan tâm của người có thu nhập thấp và người yếu thế. Chỉ khoảng 2% người tiêu thụ ủng hộ điện một giá thì không đảm bảo được yêu cầu của nhà quản lý và nhà làm chính sách. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu điện một giá ở giai đoạn tới, khi chúng ta có điều kiện, thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo đủ điện thì mới có thể đưa điện một giá thực hiện có hiệu quả”.

Có lẽ vì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “lên tiếng” nên Chính Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực kiến nghị rút phương án 2A và 2B, trong đó có “điện một giá”, dù trước đó đánh giá về “điện một giá”, vị Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho rằng phương án “điện một giá” là có thêm lựa chọn cho khách hàng, đơn giản trong tính toán song không khuyến khích dùng điện tiết kiệm, trong khi đây là chủ trương lớn của Chính phủ.

Thực tế trên cho thấy, “điện một giá” đang đánh đồng tất cả người tiêu thụ điện, cả người dùng nhiều hay dùng ít, như thế vi phạm nguyên tắc xây dựng biểu giá điện, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Đồng thời, nó cũng đặt ra một vấn đề “xưa như trái đất” là độc quyền của ngành điện.

Nói thẳng ra, từ câu chuyện “điện một giá” dư luận lại nghi ngại việc EVN còn độc quyền cả khâu phân phối, nên việc đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là cần thiết.

Tuy nhiên, người dân cũng nên sẵn sàng chuẩn bị tâm lý rằng, chặng đường này sẽ không hề dễ dàng, nhất là khi nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2025 đang cận kề và nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao chưa nên đưa phương án điện một giá vào lúc này?

    19:53, 18/08/2020

  • Bất ngờ đề xuất rút phương án điện một giá

    15:16, 18/08/2020

  • Điện một giá hay tăng giá điện?

    05:30, 16/08/2020

  • Điện một giá 2.889 đ/kWh: Quá cao và phá vỡ nguyên tắc cải tiến biểu giá

    16:00, 13/08/2020

SÔNG HÀN