Kinh tế GIG sẽ bùng nổ?
COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, hình thành trạng thái lao động tạm thời, bán thời gian. Đó là nguồn gốc của kinh tế GIG (kinh tế việc làm tự do).
Kinh tế GIG đã trở thành “phao cứu sinh” giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dần trở lại.
“Phao cứu sinh” của Trung Quốc
Gánh chịu hậu quả nặng nhất từ dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc “lao đao” trong nửa đầu năm 2020. Lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại vô tình trở thành mảnh đất màu mỡ cho thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Theo tờ SMCP, khoảng 7.000 gia đình tại Trung Quốc đại lục đã lập ra những trạm trung chuyển hàng hóa cho Alibaba, JD.com,… Sáng kiến này tạo ra 100.000 việc làm; người lao động có thể tham gia thời vụ để kiếm thêm thu nhập.
Ele.me- công ty chuyển phát theo yêu cầu lớn nhất tại Trung Quốc, cũng thu nhận hàng trăm ngàn nhân viên bán thời gian. Trong số 93.000 lao động mà công ty này tuyển dụng, có 26% là chủ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, và 21% là kỹ thuật viên.
Hay như Meitoan dự kiến tạo ra khoảng 1,9 triệu việc làm bán thời gian trong đợt dịch này.
Nhiều chuyên gia có thành kiến với dạng công việc được xem là bất ổn định này, nhưng đó là sự vận động tự nhiên của thị trường lao động.
Kinh tế GIG góp phần không nhỏ để giới chức Trung Quốc giảm tải áp lực thất nghiệp, giúp phục hồi kinh tế nhanh hơn. Theo Bloomberg, Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng trong năm 2020, thậm chí tăng trưởng 2%.
Xu hướng tương lai
Chu kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày một rút ngắn lại, từ 30 năm trong thập niên 30, rút xuống 20 năm trong các thập niên 50 - 60 và hiện nay là 10 năm. Điều này là mối đe dọa vô hình với người lao động - họ có thể bị sa thải bất cứ lúc nào.
Kinh tế GIG vừa là hậu quả tất yếu của bất ổn kinh tế, vừa là chiếc “phao cứu sinh” không tồi. Ngày nay, công việc cơ hữu, bán thời gian được nhiều người chọn lựa. Ưu điểm của nó là tối đa hóa khả năng kiếm tiền, tận dụng triệt để năng lực lao động. Biểu hiện của nó là một người có thể cùng lúc làm việc cho nhiều tổ chức, ở Việt Nam đã có khuynh hướng này.
Nhưng GIG cũng cần điều kiện để nảy nở. Mô hình kinh tế này phải dựa trên một nền kinh tế năng động, phát triển đến mức độ nhất định, vận hành theo cơ chế thị trường, ít bao cấp, bảo hộ để có thể tối đa hóa vị trí việc làm.
GIG cũng thừa hưởng từ văn hóa thói quen sử dụng lao động phi truyền thống, tức là không “trói buộc” người lao động, tạo ra cơ chế mở, trong đó việc đến và đi không còn quan trọng bằng khả năng cống hiến.
GIG sinh ra và biểu hiện rõ nét sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng có khả năng tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng này. Do là loại hình lao động không ràng buộc, nên GIG giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, linh hoạt bộ máy, dễ dàng đối phó hơn với khủng hoảng. Tuy nhiên để kinh tế GIG trở nên phổ biến, nó cần vượt qua định kiến của người Á Đông là ưa ổn định, sợ thay đổi...