Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines

THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 10/09/2020 13:30

Việt Nam được dự đoán là nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất ghi nhận khả năng tăng trưởng dương trong năm nay với GDP tăng 2,3% trong năm 2020 và 8% vào năm 2021.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (Global Economic Outlook report from Oxford Economics) của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) nhận định rằng, các hoạt động kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại và tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6,4% vào năm 2021.

Nền kinh tế

Kinh tế được dự báo sẽ giảm GDP tổng thể 4,4% trong năm 2020. Ảnh: Quốc Tuấn

Điểm sáng Việt Nam và Thái Lan

Theo đó, sự bùng phát dịch COVID-19 đã làm giảm GDP toàn cầu khoảng 9% trong nửa đầu năm 2020, ít nhất thiệt hại gấp ba lần quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Mặc dù nhận thấy có sự phục hồi trong quý 3 với chỉ số 6,4%, báo cáo này cho thấy GDP thế giới sẽ giảm tổng thể 4,4% trong năm 2020.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới đang có sự phục hồi trong nửa cuối năm 2020, được cho là nhân tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng lên 5,8% vào năm 2021. Tốc độ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 sẽ có sự khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực, tùy thuộc vào việc nới lỏng các hạn chế đóng cửa và sức cải thiện nhu cầu xuất khẩu.

Đối với khu vực Đông Nam Á, sự phục hồi mạnh mẽ trong các hoạt động kinh tế ở những quý tới vẫn không chắc chắn, đặc biệt là trong quý 4 năm 2020. 

Các quốc gia thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát dịch như Thái Lan và Việt Nam được cho là sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn Indonesia và Philippines - là những quốc gia đang phải đối mặt với những đợt bùng phát COVID-19 mới.

"Quá trình phục hồi của các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ là một chặng đường dài, do các yếu tố căng thẳng Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra, hoạt động thương mại toàn cầu chậm lại trong thời gian dài và đại dịch COVID-19 kéo dài đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của khu vực. Dù mỗi quốc gia trong khu vực đều chịu tác động của cuộc khủng hoảng, nhưng mức độ khủng hoảng diễn ra ở các nền kinh tế có sự khác nhau, phụ thuộc vào cấu trúc kinh tế của từng nước”, ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cho biết.

Theo đó, Việt Nam được dự đoán là nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất ghi nhận khả năng tăng trưởng tích cực trong năm nay với GDP tăng 2,3% trong năm 2020 và 8% vào năm 2021.

Nhìn sang các nền kinh tế khác, kinh tế Malaysia được dự báo sẽ giảm 6% trong năm nay và tăng trưởng 6,6% vào năm 2021 do nhu cầu toàn cầu vẫn chậm.

Tốc độ phục hồi kinh tế của Indonesia và Philippines vẫn khá bấp bênh, bởi tình trạng lây nhiễm gia tăng trở lại sau khi các hạn chế về đóng cửa được nới lỏng, khiến kế hoạch mở cửa trở lại ở hai quốc gia này bị tạm dừng hoặc lùi lại. Cả hai nền kinh tế vẫn rất dễ bị tổn thương do có cơ sở hạ tầng y tế công cộng yếu hơn, mức hỗ trợ tài chính thấp hơn và tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào người tiêu dùng hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Tốc độ phục hồi ở Indonesia dự kiến sẽ chậm lại và thu nhập hộ gia đình sẽ bị siết chặt. GDP dự kiến sẽ giảm 2,7% vào năm 2020 và tăng 6,2% vào năm 2021. Philippines được cho là sẽ có mức giảm lớn nhất ở Đông Nam Á, với GDP giảm tới 8,2% vào năm 2020, do phụ thuộc vào du lịch quốc tế và sự chậm lại trong chính sách nới lỏng hạn chế đóng cửa.

Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới

Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) cũng đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021 trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020.

Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Theo bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, kết quả dự báo trên cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên, những dự báo trên còn chịu nhiều bất định và rất có khả năng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình khôi phục kinh tế.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn của Việt Nam hiện nay là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia - sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước - khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.

COVID-19 cũng làm gia tăng bất bình đẳng vì đại dịch lần này tác động đến doanh nghiệp và người dân theo nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn người lao động ở các ngành dịch vụ bị giảm thu nhập nhiều hơn so với nông dân.

“Do đó, để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng. Tuy nhiên, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng COVID-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số của ngày mai”, bà Stefanie Stallmeister nhận định. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bao giờ kinh tế Việt Nam vượt Thái Lan và Indonesia?

    11:00, 08/09/2020

  • VNDIRECT: Đầu tư công và xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng những tháng cuối năm

    11:00, 10/09/2020

  • Kinh tế 8 tháng năm 2020 (Kỳ II): Tìm động lực tăng trưởng trong bức tranh "màu xám"

    07:15, 03/09/2020

  • Tăng trưởng GDP năm 2020 lạc quan nhất ở mức 2%

    11:05, 30/08/2020

THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN