“Nguồn vốn” phát triển doanh nghiệp: Chỉ 2% số doanh nghiệp khoẻ mạnh?

PHẠM VIỆT ANH - chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp 10/09/2020 15:48

Vậy, về dài hạn, Chính phủ sẽ làm gì để trợ giúp các doanh nghiệp thuộc số 2% còn sống sót để tránh bẫy sụp đổ vì lãi vay và đứt gãy chuỗi cung ứng vốn?

LTS: Một lực lượng lao động chất lượng cao, có kỹ năng tốt chính là nguồn lực chủ yếu và lâu dài tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là “nguồn vốn” đem lại chiến thắng bền vững nhất cho nền kinh tế.

 Tăng trưởng tín dụng 2019 đạt 13,7%, dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến cuối năm 2019 xấp xỉ 8,2 triệu tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với cách đây năm năm, trong khi đó GDP chỉ tăng 1,4 lần so với năm 2015.

Tăng trưởng tín dụng 2019 đạt 13,7%, dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến cuối năm 2019 xấp xỉ 8,2 triệu tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với cách đây năm năm, trong khi đó GDP chỉ tăng 1,4 lần so với năm 2015.

Khi tốc độ tăng trưởng nợ tín dụng vẫn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân, việc đứt gẫy chuỗi cung ứng vốn chỉ là vấn đề thời gian - Đây là một cảnh báo. Khảo sát mới đây cho biết, 47% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động khi COVID-19 tái bùng phát. Cuộc khảo sát này tiến hành giữa tháng 8, sau khi đợt dịch thứ hai bùng phát trở lại, cho thấy sức khoẻ doanh nghiệp "thêm kiệt quệ". Theo kết quả khảo sát, đợt bùng phát dịch lần này đã khiến 20% doanh nghiệp tham gia phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Nguy và cơ

Rõ ràng, với những doanh nghiệp còn có tiềm lực - khả năng tồn tại cao qua đại dịch, vốn rẻ (lãi suất dự là tiếp tục giảm) là cơ hội tốt để đầu tư cho đổi mới công nghệ, nâng cấp máy móc. Tuy nhiên, việc tăng đầu tư cũng làm cạn kiệt nguồn vốn. Vậy sự đánh đổi này có đáng hay không? Là câu hỏi chiến lược cốt tử của bất cứ doanh nghiệp nào.

Câu trả lời thuộc chính sách vĩ mô là tầm nhìn và khả năng điều tiết của Chính phủ trong việc thu xếp vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn với chi phí hợp lý. Về phần vi mô, là quyết định hợp lý dựa trên phân tích hàm sản xuất và chi phí cận biên; là khả năng tường tận sâu sắc tới cấu trúc chi phí của doanh nghiệp.

Điều kiện tiên quyết là phải phải đảm bảo là mức chi phí vốn phải đủ rẻ và các chính sách phải hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư cho nâng cấp công nghệ, và đây là trách nhiệm của Chính phủ. Bởi lẽ, mục đích của việc nâng cấp máy móc và công nghệ để gia tăng năng suất và tiết kiệm lao động.

Nhưng nếu chi phí vốn quá cao và chính sách thiếu ổn định, đầu tư cho công nghệ sẽ trở nên đắt hơn nhiều so với chi phí lương, thì chẳng có nhiều doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ, và như vậy mục tiêu nâng cấp nền kinh tế sẽ thất bại. Để nâng cấp nền kinh tế và tạo bệ phóng cho start-up phát triển, một trong những nhân tố là phải phát triển thành công thị trường vốn. Nếu không, động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục lệ thuộc và FDI.

Nâng cấp công nghệ cho giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhờ FTAs vừa là cơ hội nhưng cũng là cái bẫy đầu tư cho doanh nghiệp. Một khi chính sách tiền tệ trong dài hạn là không ổn định, doanh nghiệp đi vay để nâng cấp công nghệ có thể sụp đổ vì lãi vay và chết trên đống tài sản. Đừng quên bài học khủng hoảng tài chính 2007 khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thua lỗ nặng nề phần lớn là do đầu tư mở rộng quá tay trước đó.

Lựa chọn nào?

Muốn đạt mức “tăng trưởng nhanh và bền”, thì phải đảm bảo được nguồn vốn dồi dào trước tiên. Dĩ nhiên, là không phải bằng cách tăng thêm vay nợ, quá dựa vào nợ mà phải qua con đường mở cửa hơn nữa thị trường vốn, đa dạng hoá các công cụ phái sinh tài chính, mở cửa cho thị trường đánh giá tín nhiệm phát triển…

Bởi, khi tốc độ tăng trưởng nợ tín dụng nhanh hơn nhiều lần tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân, thì việc đứt gẫy chuỗi cung ứng vốn chỉ là vấn đề thời gian. Dẫu vậy, nguồn vốn hữu hình tuân thủ quy luật hiệu suất giảm dần. Việc tích luỹ vốn tư bản đơn thuần, mà không có sự đổi mới, thúc đẩy start-up công nghệ phát triển, bảo vệ sở hữu trí tuệ và thành quả sáng tạo, thì chỉ có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế hạn chế.

Trong khi công nghệ và kiến thức cũng như vốn, công nghệ và kiến thức có tính di động cao, chúng di chuyển rất nhanh từ quốc gia này qua lãnh thổ nọ, thách thức mọi nỗ lực nắm giữ hay sở hữu độc quyền chúng của mọi quốc gia (trừ chủ nghĩa bảo hộ), thì lao động là yếu tố quan trọng nhất trong 4 yếu tố sản xuất vì nó ít có tính di động nhất trong thị trường toàn cầu ngày nay. Một lực lượng lao động có kỹ năng và động lực lớn chính là nguồn lực chủ yếu và lâu dài tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia.                                                                                                                                                                                                                                                     (còn tiếp)

Để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể đạt mức thu nhập của các nước tiên tiến, Việt Nam cần nâng cấp cơ cấu công nghiệp tương ứng với cường độ sử dụng vốn của mình. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam trước hết phải xoá mọi khoảng cách về nguồn lực với các nước tiên tiến, và chiến lược để đạt điều đó là "tuân theo lợi thế so sánh ở mỗi giai đoạn phát triển”.

PHẠM VIỆT ANH - chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp