“Chúng ta nói EVFTA là xa lộ nhưng đường tỉnh, đường huyện đầy chông gai”

ĐỖ HUYỀN 12/09/2020 06:17

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Trước lúc đến “xa lộ” EVFTA doanh nghiệp phải trải qua nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện đầy chông gai. Nếu lên tới gần xa lộ mà bánh xì hơi thì làm sao lên được".

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai bên.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). (Ảnh minh họa)

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). (Ảnh minh họa)

Những tuyến đường tỉnh huyện còn nhiều trông gai

Tuy nhiên, khi bình luận về việc tận dụng cơ hội của Việt Nam trong việc tham gia vào Hiệp định thương mại tự do đình đám này, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã ví những khó khăn trong nội tại Việt Nam như “những tuyến đường tỉnh, đường huyện đầy chông gai” khi doanh nghiệp bước vào "xa lộ" EVFTA.

“Chúng ta vẫn cứ nói khi giảm thuế thì thâm nhập được thị trường, nhưng câu hỏi đặt ra là có vượt qua được các rào cản mà chủ yếu là của chính mình tạo ra hay không mới là điều quan trọng hơn cả”, TS. Cung nêu rõ.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật, về môi trường, quy định về lao động… thuộc về hàng rào bên ngoài, theo ông Cung thì với nhiều doanh nghiệp, trong những ngành hàng, lĩnh vực hội nhập sâu, như dệt may, thủy sản…, không hề mới, nhiều tiêu chuẩn doanh nghiệp đã vượt qua với ý thức rất rõ về cơ hội thị trường.

Theo quan điểm của ông Cung các hàng rào bên ngoài này không khiến doanh nghiệp cảm thấy quan ngại vì dù có khó khăn, thì chúng cũng được công bố công khai, doanh nghiệp nếu muốn thâm nhập thị trường đều biết mình phải làm gì, tuân thủ các điều kiện gì, chi phí ra sao… Điều cần thiết là phải nghiên cứu kỹ để nắm rõ các quy định này, từ đó có kế hoạch và chi phí tuân thủ.

Điều đáng lo, theo TS. Cung nằm ở hàng rào bên trong, đó là điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện về môi trường, lao động… có những thứ doanh nghiệp gần như không tuân thủ được, nếu tuân thủ thì chi phí rất cao. Trong khi đó khi nhập khẩu thì EU bao giờ cũng vào kiểm tra xem doanh nghiệp có tuân thủ chính quy định của nước mình hay không.

Khi các doanh nghiệp trong nước không dám chắc chắn về việc thực thi các quy định của pháp luật Việt Nam thì việc bị các nhà nhập khẩu “thổi còi” hoặc không tiếp tục ký kết hợp đồng là rất lớn, ông Cung lưu ý.

Vị chuyên gia lo ngại, nếu không xử lý được các nút thắt hiện nay thì trước khi đến “xa lộ” EVFTA, những chiếc xe với "cái bánh xì hơi" khó có thể bước chân vào.

“Hãy cải cách vì yêu cầu nội tại của chúng ta”

Dù thừa nhận môi trường kinh doanh Việt Nam trong những năm qua có nhiều thay đổi, nhưng ông Cung vẫn nhấn mạnh rằng việc xử lý các nút thắt bên trong là điều quan trọng nhất.

Đồng thời, muốn tận dụng được cơ hội đem lại từ FTA thì doanh nghiệp trong nước phải lớn. Chỉ khi nào doanh nghiệp tư nhân lớn thì chúng ta mới có đối tác tin cậy, bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên thực tế còn quá nhiều rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân không lớn được hoặc không muốn lớn. Theo ông Cung, gốc rễ vấn đề vẫn là câu chuyện cải cách bởi điều quan trọng là thay đổi tư duy và cách hành động và quan trọng hơn là... nhắm đúng vấn đề cần cải cách.

Đáng lưu ý theo quan điểm của ông Cung, không nên kỳ vọng EVFTA thúc đẩy cải cách mà chính xác là sự cải cách phải đến chính từ những nỗ lực bên trong.

“Cải cách phải từ sự phát triển của chính mình chứ không phải từ sự áp đặt bên ngoài. Cải cách phải vì sự thịnh vượng của chính Việt Nam. Chỉ có như thế chúng ta mới tận dụng tốt cơ hội đem lại”, ông Cung nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam cũng cho rằng, cải cách tốt khi chính bản thân chúng ta tự cảm thấy cần phải cải cách. Ông đồng tình với quan điểm, nếu cải cách vì bên ngoài gây áp lực là không đúng.

Ông Giorgio Aliberti khẳng định EVFTA quan trọng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. “Ngay khi EVFTA đi vào hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tổ chức hội nghị về hiệp định. Chúng tôi nhìn thấy thiện chí của Việt Nam, sự nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện chính sách”, ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Lô tôm đầu tiên hưởng mức thuế theo cam kết EVFTA trên đường sang Hà Lan

    11:00, 11/09/2020

  • Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU kỳ vọng tăng trưởng nhờ EVFTA

    04:30, 09/09/2020

  • “Kê đơn” cho thị trường dược: EVFTA thúc đẩy... M&A

    15:00, 24/08/2020

ĐỖ HUYỀN