GS.TS Trần Thọ Đạt: Kinh tế số trong khu vực FDI thấp đáng “ngạc nhiên”

NGUYỄN VIỆT 13/09/2020 11:43

Mặc dù ngành chế biến, chế tạo được đánh giá là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam, được dẫn dắt bởi khu vực FDI nhưng đóng góp của kinh tế số lại thấp một cách đáng ngạc nhiên.

GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng chia sẻ tại Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong bối cảnh bất định-nắm bắt cơ hội vượt qua các thách thức”, vừa được trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức gần đây.

GS.TS Trần Thọ Đạt. Ảnh: Nguyễn Việt

GS.TS Trần Thọ Đạt. Ảnh: Nguyễn Việt

Vị thế của nền kinh tế số

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, chiến lược chuyển đổi số, định hướng chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đến năm 2030 được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, từ nay đến năm 2022, Việt Nam sẽ thực hiện dần công việc chuyển đổi số. Giai đoạn hai, từ năm 2023 đến năm 2025, dựa vào hệ quả chuyển đối số để gia tăng năng suất lao động. Giai đoạn ba, từ năm 2025 đến năm 2030 thực hiện phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.

"Hiện nay có rất nhiều khái niệm về kinh tế số, nhưng đo lường kinh tế số đó như thế nào? Kinh tế số chiếm bao nhiêu phần trăm GDP trong 10 hay 20 năm tới khi được giả thiết ở các mức 5%, 10% hay 16%? Kinh tế số sẽ làm cho năng suất lao động tăng 5%, 10% và 15% trong những năm tới? Như vậy, kinh tế số đo lường bằng cái gì và phạm vi như thế nào, hiện vẫn đang còn những tranh luận khác nhau", GS. TS Trần Thọ Đạt đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá thường niên của trường ĐH KTQD, GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, quan niệm kinh tế số là bao gồm tất cả các hoạt động trong nền kinh tế và xã hội có liên quan đến việc ứng dụng số phải triển khai để nâng cao năng suất lao động và góp phần tạo nên giá trị gia tăng.

"Hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn xây dựng văn kiện chuẩn bị cho đại hội XIII của Đảng. Trong đó, có những mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm và hướng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Trong đó, năm 2030, Việt Nam phấn đấu là nước có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành một nước thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, nền kinh tế của Việt Nam phải tăng trưởng ít nhất 7%/năm. 

Nếu tăng trưởng 6%, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực. Tăng trưởng 7% Việt Nam sẽ đuổi kịp một số nước trung bình trong khu vực. Và chỉ có tăng trưởng 8% thì Việt Nam mới có thể đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2045. Đây là các phương án tăng trưởng của Việt Nam", GS.TS Trần Thọ Đạt chia sẻ.

Nhưng GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, thế giới đang đứng trước những cơ hội, rủi ro và thách thức. Đại dịch COVID-19 diễn ra bất ngờ, từ một cuộc khủng hoảng về y tế đã chuyển thành một cuộc đại khủng hoảng về kinh tế.

“Điều đó chứng tỏ rằng, thế giới rất bất định và chúng ta cũng rất bất định. Chưa bao giờ dự báo tăng trưởng kinh tế về GDP lại khó như hiện nay. Bởi cứ mỗi tháng lại ra một con số tăng trưởng khác nhau”, GS.TS Trần Thọ Đạt bày tỏ.

Như vậy, mục tiêu và khát vọng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới dự kiến tăng trưởng từ 6 đến 7% để đuổi kịp một số nước là vô cùng khó khăn. Vì mục đích của chúng ta lúc này là tăng trưởng dương. “Độ chênh lệch giữa tăng trưởng thực tế và khát vọng là quá lớn. Do đó, vai trò của nền kinh tế số là hết sức quan trọng”, GS.TS Trần Thọ Đạt nói.

Cần số hóa cho khu vực nông nghiệp

Vẫn theo GS.TS Trần Thọ Đạt, kinh tế số tác động mạnh mẽ và rõ rệt nhất tại khu vực kinh tế tư nhân. Tiếp đến là khu vực nhà nước, khu vực hợp tác xã và khu vực cá thể. Tuy nhiên, có một điều khiến GS.TS Trần Thọ Đạt thấy bất ngờ là ngành chế biến chế tạo vốn là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, được dẫn dắt bởi khu vực FDI nhưng đóng góp của kinh tế số lại thấp một cách đáng ngạc nhiên.

kinh tế số tác động mạnh mẽ và rõ rệt nhất tại khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Nguyễn Việt

Kinh tế số tác động mạnh mẽ và rõ rệt nhất tại khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Nguyễn Việt/DĐDN

Đặc biệt, là những ngành đóng góp vào xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may và da giầy ứng dụng kinh tế số rất thấp. Lĩnh vực ứng dụng cao nhất của Việt Nam đối với kinh tế số là khoa học công nghệ, thông tin truyền thông. Sau đó mới đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thấp hơn mức trung bình chung của cả nước và cuối cùng là ngành nông lâm thủy sản.

Còn bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), bình luận, COVID-19 vừa là tác nhân gây suy thoái kinh tế, nhưng cũng lại là động lực thúc đẩy chuyển đổi số của ngành bán lẻ Việt Nam và những ngành nghề khác.

Cũng từ “cú hích” COVID-19, Bộ Công Thương đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có được 55 triệu người tiêu dùng sử dụng qua kênh thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm 2025.

“Đồng thời đặt doanh nghiệp vào làm trung tâm của các chiến lược chính sách để chuyển đổi kinh tế số của ngành bán lẻ cũng như phân phối của Việt Nam”, bà Nga cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, Việt Nam có diện tích trồng lúa và người lao động làm việc trong ngành nông nghiệp lớn, nhưng vẫn chưa có một công cụ nào dành riêng cho các hợp tác xã sản xuất lúa gạo như phần mềm kế toán.

“Một trong những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa và bị mất niềm tin lớn nhất, đó là chúng ta đã cấp được rất nhiều chứng chỉ VietGAP, nhưng tất cả chứng chỉ được làm trên sổ tay. Thực tế, có tới 99% sổ tay nhà vườn làm để đối phó. Vậy tại sao không số hóa sổ tay?”, bà Thực thẳn thắn.

Vẫn theo bà Thực, vừa qua Trung Quốc đã công bố ngừng nhập khẩu trên 200 mã vùng trồng nông sản của Việt Nam vì bị làm giả quá nhiều. Việt Nam có 1 triệu ha đất trồng cây ăn quả nhưng cấp mã vùng trồng trọt chưa được 1%.

“Trong khi lại xuất khẩu tới 70% sản lượng. Đối với công nghệ quản lý của Trung Quốc, họ có dữ liệu cập nhật thường xuyên nên có chể “chặn” hàng xuất khẩu của Việt Nam bất cứ lúc nào. Vì họ có bằng chứng chứng minh, mã vùng chỉ có 10ha nên không thể xuất khẩu tới 100.000 tấn xoài sang Trung Quốc”, bà Thực nói.  

Bà Thực khẳng định, riêng với lĩnh vực nông nghiệp, việc số hóa rất đơn giản và vấn đề là phải có phần mềm phù hợp cho lĩnh vực này.

Có thể bạn quan tâm

  • World Bank: Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới

    World Bank: Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới

    04:00, 31/07/2020

  • Các nền tảng số định hình nền kinh tế số

    Các nền tảng số định hình nền kinh tế số

    11:15, 03/03/2020

  • Nền kinh tế số - bước đi đột phá của Trung Quốc

    Nền kinh tế số - bước đi đột phá của Trung Quốc

    00:00, 02/02/2020

NGUYỄN VIỆT