“Ngược đời” doanh nghiệp “xin” chịu thuế

THY HẰNG thực hiện 19/09/2020 06:00

Có một thực tế là các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang miệt mài kiến nghị được tính thuế GTGT, bởi mỗi ngày qua đi thì họ và người nông dân lại tăng thêm thiệt hại.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Công Thương thông báo việc Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Cty CPSX&TMTH Cường Phát, nhãn hiệu phân bón Sao Nông về vấn đề này.

- Quy định không phải chịu thuế GTGT thoạt nghe có vẻ là chính sách giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn, thưa ông?

Đúng vậy, nghe thì có vẻ như doanh nghiệp và nông dân sẽ hưởng lợi từ chính sách này, nhưng sự thật không phải như vậy. Tại khoản 1 điều 3, Luật số 71/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… là mặt hàng không chịu thuế GTGT, có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.

Khi doanh nghiệp không phải chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Do đó, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng, chúng tôi ước tính mức tăng dao động từ 5-8% tuỳ vào sản phẩm phân bón. Cụ thể, kể từ sau khi Luật số 71/2014 đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất từ 0% thì giá trung bình các loại phân đạm tăng 6,7 - 7%, supe lân tăng 5,9 - 6,2%, DAP tăng 7,0 - 7,3%, NPK tăng 5,0 - 5,5%, lân nung chảy tăng 6,0 - 7,0%...

 Chính sách thuế GTGT đang khiến giá các loại phân bón của doanh nghiệp trong nước tăng 5-8%.

Chính sách thuế GTGT đang khiến giá các loại phân bón của doanh nghiệp trong nước tăng 5-8%.

- Cụ thể việc này đã tác động thế nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thưa ông?

Phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT đã gây nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Sao Nông có thể bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Đặc biệt các doanh nghiệp lớn như Tcty phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo), tùy theo tình hình giá nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng lên do không được khấu trừ thuế GTGT là 300 - 370 tỉ đồng/năm. Trong 5 năm (2015-2019) tổng số tiền thuế không được khấu trừ hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của PVFCCo là 1.637 tỉ đồng.

- Còn đối với nông dân thì sao, thưa ông?

Giá phân bón đến tay bà con nông dân cũng bị tăng theo, kéo theo đó là chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể, do phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40 - 50% chi phí sản xuất. Do đó, cả nông sản của bà con cũng bị “đội” giá.

- Như vậy ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu, thưa ông?

Việc quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. Chúng tôi theo dõi số liệu phân bón nhập khẩu đã tăng mạnh liên tục từ năm 2014 đến nay.

Ở các nước khác, nhà sản xuất được hoàn thuế GTGT đối với toàn bộ chi phí đầu vào chịu thuế GTGT, giá thành sản phẩm xuất khẩu không bao gồm thuế GTGT của chi phí đầu vào. Do đó mà giá cả phân bón của họ sẽ cạnh tranh hơn mặt hàng phân bón của Việt Nam. Đặc biệt phân bón nhập từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga và Trung Đông thì phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0%.

Điều này sẽ tăng sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đang phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất, ngành sản xuất phân bón đi “thụt lùi”, thậm chí bị “thâu tóm”. Trong khi, ngành chăn nuôi chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

-Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính):

Tại khoản 3a Điều 5 của Luật Thuế số 71 năm 2014, quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nhưng sau khi nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tính toán phương án chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% vào nội dung sửa đổi Luật Thuế GTGT và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã xem xét vấn đề này và đề nghị Bộ Tài chính đưa vào sửa đổi Luật Thuế GTGT để trình Quốc hội.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam:

Quy định thuế GTGT với phân bón vô hình chung đang khiến sản phẩm phân bón Việt Nam giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại do doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới.

Từ cuối năm 2019, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có kiến nghị gửi tới các bộ, ngành và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT đến mức 5%.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần tạo sự công bằng cho sản xuất phân bón

    08:49, 06/08/2020

  • Đề nghị siết chặt quản lý sản xuất phân bón

    18:35, 08/06/2018

  • 4 dự án sản xuất phân bón Vinachem: Một "điểm sáng", ba "điểm tối"

    06:00, 09/05/2018

  • Hỗ trợ sáng chế sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên quy mô công nghiệp

    10:22, 28/12/2017

  • Những nhà sản xuất phân bón “chi phí cao” đang trên bờ vực phá sản

    05:53, 03/11/2017

THY HẰNG thực hiện