Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương: "Đòn bẩy" phát triển vùng sản xuất thông minh
Với việc triển khai thực hiện Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, được kỳ vọng sẽ tạo ra "đòn bẩy" thúc đẩy và xây dựng Bình Dương từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh.
Theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp tại Bình Dương từ đầu năm 2016 đến tháng 3/2020 tăng hơn gấp đôi, từ trên 20.000 lên gần 44.000. Kinh tế của tỉnh thời kỳ 2011-2020 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt khoảng 8,5%/năm. GRDP/người năm 2015 là 4.660 USD/người, đến năm 2020 ước đạt 7.665 USD/người, cao gấp 2,6 lần so với cả nước. Các huyện phía bắc lần lượt công nghiệp hóa mạnh mẽ, ở phía nam, TP.Thủ Dầu Một vươn lên đô thị loại I, Dĩ An và Thuận An được công nhận thành phố.
Sau gần 04 năm thực hiện, Đề án Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương đã đạt được những kết quả nhất định. Điển hình là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế, hai năm liền 2019 và 2020, Bình Dương được vinh danh trong 21 địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới.
Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra với Bình Dương hiện nay là phải sớm xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức, có chiều sâu, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từng bước chuyển mình thành vùng đổi mới sáng tạo bền vững thay vì là vùng đô thị công nghiệp như hiện nay.
Do đó, Bình Dương tiếp tục đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region” với kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững, giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ … Từ đó, sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế.
Theo Đề án này, trung tâm Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được quy hoạch là thành phố Thủ Dầu Một gồm các yếu tố: Hệ thống hành chính một cửa, hệ thống giáo dục đại học, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Trung tâm Thương mại Thành phố mới Bình Dương, khu đô thị chất lượng cao, phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, trung tâm logistics cho thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, một nhân tố không thể thiếu trong Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương là việc hình thành Khu công nghiệp khoa học công nghệ tại Bàu Bàng. Đây sẽ là một cụm nối dài của Vùng trung tâm từ Thủ Dầu Một, Thành phố mới Bình Dương trong việc thu hút các viện trường, các trung tâm xuất sắc của các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức.
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bình Dương cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển của thế giới về vùng đổi mới sáng tạo, Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region” là một mô hình hoàn toàn mới, phù hợp với thực tiễn của Bình Dương. Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương cũng là nội dung trọng tâm trong xây dựng Thành phố thông minh cho giai đoạn tiếp theo.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, để phát triển thành vùng đổi mới sáng tạo là một quá trình dài gian nan và rất khó. Tuy nhiên, xu thế tất yếu, Bình Dương muốn phát triển bền vững phải đổi mới khoa học, công nghệ.
Theo đó, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương chuyển hướng phát triển sang các khu công nghiệp của tương lai, phát triển đô thị gắn liền với quy hoạch giao thông công cộng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ với việc xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương; định hướng phát triển các loại hình giao thông mới như đường thủy, đường sắt, phát triển logistics thông minh; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kỹ thuật số - băng thông rộng.
“Tỉnh sẽ tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Đồng thời, tập trung đầu tư vào chất lượng sống, mảng xanh, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo; phát triển các khu vực nông thôn thông qua các chương trình Làng thông minh, nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu phát triển giống cây trồng trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ…”. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm