Lộ trình nào cho phát triển điện gió ngoài khơi?

ANH DUY 24/09/2020 05:00

Điện gió ngoài khơi ở quy mô công suất lên đến 10GW vào năm 2030, do đó, cần tính toán và cân nhắc đưa các yêu tố này vào trong quá trình xây dựng Quy hoạch.

Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới vừa có nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị về lộ trình phát triển ngành điện gió ngoài khơi với Chính phủ Việt Nam. 

Theo đó, nghiên cứu đánh giá, với tiềm năng to lớn, ước tính khoảng 160 GW trong vòng 5-100 km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư.

Các nghiên cứu do Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng khuyến nghị rằng từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.

“Chính phủ Việt Nam luôn cam kết phát triển ngành năng lượng bền vững và thời điểm này có ý nghĩa quan trọng với Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 đang được Bộ Công thương xây dựng", ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết.

Cụ thể, tại báo cáo “Các nghiên cứu đầu vào cho Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam”, Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, mục tiêu công suất rõ ràng, dài hạn và tăng dần là điều kiện tiên quyết để chính phủ điều phối chính sách và tạo niềm tin cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, từ đó thu hút đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và công nghệ.

Cùng với đó, khung pháp lý phù hợp và Hợp đồng mua bán điện khả thi về tài chính phù hợp với thông lệ quốc tế là chìa khóa để bù lại những rủi ro thị trường mới và giúp mở cửa cho đầu tư vốn ở mức cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi chín muồi ở Việt Nam. 

Hai tổ chức này cũng cho rằng cần chỉ định một cơ quan của Chính phủ làm đầu mối duy nhất và đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các dự án điện gió ngoài khơi nhằm đảm bảo các dự án hoàn thành đúng thời gian đã định.

Đồng thời, cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này.

“Khi Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất và điều này đã được chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Đan Mạch. Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn”, ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã nói.

Giám đốc Hợp tác toàn cầu, Cục Năng lượng Đan Mạch, Anton Beck, bổ sung: “Tua bin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất khi chỉ cần một tua bin 8 MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đã khởi động được một thời gian và các đối tác Việt Nam luôn khao khát thúc đẩy ngành công nghiệp này không những phát triển nhanh mà còn phải đi đúng hướng.’”.

Trong khi đó, phía Ngân hàng Thế giới đã thực hiện nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích kinh tế của điện gió ngoài khơi. “Nghiên cứu cho thấy những lợi ích kinh tế quan trọng của việc triển khai điện gió ngoài khơi ở quy mô công suất lên đến 10GW vào năm 2030. Quy mô công suất này có thể tạo ra từ 190 -700 nghìn năm làm việc cho người lao động. Vì vậy, điều quan trọng cần làm là tính toán và cân nhắc đưa các yêu tố này vào trong quá trình xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8” - ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Hạ tầng và Điều phối viên Năng lượng, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu từ sau 2023?

    03:30, 23/09/2020

  • FECON thi công cụm trang trại điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam

    11:48, 22/09/2020

  • Điện gió, điện mặt trời vận hành kỷ lục: Lại lo lưới điện truyền tải “hụt hơi”!

    11:08, 09/09/2020

  • Điện gió tấp nập dự án nghìn tỉ: Có tránh được "vết xe đổ"?

    05:30, 20/08/2020

  • Giải pháp nào giúp doanh nghiệp điện gió thời COVID-19?

    04:30, 10/08/2020

  • Để điện gió không “phập phù”

    11:00, 06/08/2020

  • Kiến nghị miễn tiền thuê mặt biển với các dự án điện gió

    15:06, 05/08/2020

ANH DUY