S&P dự báo tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt mức 1,9% và 11,2% vào năm 2021 và đứng thứ 2 về tốc độ phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thông tin này vừa được Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings công bố trong báo cáo mới nhất. S&P đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 trong bối cảnh thương mại và chi tiêu tiêu dùng tăng.
Theo báo cáo của S&P, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt mức 1,9% và 11,2% vào năm 2021. Cùng thứ hạng với Việt Nam là Đài Loan (Trung Quốc) với tăng trưởng GDP đạt mức 1% vào năm 2020 và 3% vào năm 2021.
Trung Quốc đứng thứ nhất khi S&P nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của nước này từ mức 1,2% lên 2,1%, nhưng lại hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ mức 7,4% xuống 6,9%.
Theo S&P, mức giảm GDP lớn nhất trong số các nước và nền kinh tế ở khu vực là Philippines khi giảm 9,5% vào năm 2020, sau đó phục hồi và đạt mức tăng trưởng 9,6% vào năm 2021.
Sau đó là Ấn Độ, nơi có nền kinh tế ước tính suy giảm 9% trong năm 2020, sau đó đạt mức tăng trưởng 10% vào năm 2021.
Nhìn chung, các chuyên gia của S&P kỳ vọng rằng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm 2% vào năm 2020 và chuyển sang tăng trưởng 6,9% trong năm sau đó.
Tình hình việc làm sẽ là yếu tố chính quyết định tốc độ phục hồi. S&P dự báo trong hầu hết các trường hợp, tỷ lệ việc làm sẽ trở lại mức như trước khi xảy ra dịch COVID-19 sớm nhất vào năm 2022.
Sự tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ được thúc đẩy nhờ thương mại và sản xuất, nhưng để có được sự phục hồi hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ cũng cần hoạt động tốt trở lại.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận định Việt Nam là điển hình thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cùng với đó là nền tảng kinh tế vĩ mô khá vững chắc của Việt Nam, được hỗ trợ bởi việc nới lỏng tiền tệ, tài khóa và nhu cầu xuất khẩu gia tăng trở lại, nên mức đà tăng trưởng hoàn toàn có thể được duy trì trong năm nay và năm sau.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2020 trong đó đưa dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.
Dự báo này mang đến nhiều tín hiệu lạc quan bởi ADB dự báo tổng sản phẩm (GDP) các nước khu vực Châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, sau đó sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021.
Theo nhận định của ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Xây dựng kế hoạch tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2021
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2020 vào ngày 4.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam có suy thoái?
00:31, 22/09/2020
Dự báo mới nhất của ADB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam
15:21, 15/09/2020
[eMagazine] Cách thức nào giúp kinh tế Việt Nam bước qua khó khăn?
09:42, 13/09/2020
Cách thức nào giúp kinh tế Việt Nam bước qua khó khăn?
05:00, 13/09/2020
Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines
13:30, 10/09/2020