Gỡ vướng chính sách pháp luật hải quan cho doanh nghiệp FDI
Hiện, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách hải quan, pháp luật về hải quan làm ảnh hưởng không nhỏ trong xuất, nhập khẩu…
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA), thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI chưa nắm vững Luật thuế xuất nhập khẩu năm 2016; Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hải quan (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP); Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế XNK; Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật ngoại thương. Thông tư 38/2015/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan (được sửa đổi, bổ sung tại TT39/2018/TT-BTC)... Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Kỹ năng khai báo hải quan hạn chế
Tại “Hội nghị phổ biến chính sách pháp luật hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp FDI áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội” diễn ra mới đây tại Hà Nội; đại diện HPA cho biết, đối với chính sách hải quan, pháp luật về hải quan (luật hải quan, thông tư, nghị định, quyết định) cho các doanh nghiệp FDI làm thủ tục xuất nhập khẩu đã được ngành Hải quan Việt Nam phổ biến rộng rãi qua tài liệu cũng như các phương tiên thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, kỹ năng chung của một số doanh nghiệp FDI khi khai báo hải quan vẫn chưa nắm rõ quy trình và chính sách xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, loại hàng có được phép xuất - nhập? hay xuất nhập khẩu có điều kiện? (hạn ngạch quota hoặc giấy phép, chuyên ngành) hay cấm xuất-nhập khẩu? Các Bộ nào quản lý nhóm ngành hàng nào?
Ngoài ra, doanh nghiệp FDI chưa nắm vững thủ tục hải quan cho các mặt hàng của công ty khi muốn xuất - nhập, hiểu biết về chính sách thuế (đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, đối tượng miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế), cách áp mã hàng hóa-HS code; sáu phương pháp xác định trị giá hải quan, khai báo đúng chính sách thuế, nộp đúng, đầy đủ thuế theo quy định.
Đặc biệt, việc sử dụng ECUS/VNACCS thành thạo các loại hình công ty đang triển khai; quy trình thông quan, quy trình đưa hàng về bảo quản, giải phóng hàng tại các chi cục, cửa khẩu, sân bay; nguyên lý về kế toán trong việc quyết toán, hoàn thuế (VAT, XNK) còn hạn chế.
Nhìn nhận về một số lỗi thường gặp trong khai báo hải quan, đại diện lãnh đạo HPA chia sẻ, một số doanh nghiệp FDI khai báo sai thông tin trên tờ khai so với hồ sơ, chứng từ; khai báo tên hàng không đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, không phù hợp với mã số hàng hóa; khai sai mã hồ sơ, trị giá dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, nợ thuế, bị cưỡng chế thuế, bị ấn định thuế.
Một yếu tố nữa là doanh nghiệp FDI thường xuyên sửa đổi, bổ sung tờ khai hoặc hủy tờ khai; không làm thủ tục đối với các tờ khai đã khai báo; không hợp tác với cơ quan hải quan để cung cấp đầy đủ thông tin doanh nghiệp dẫn đến thiếu thông tin để đánh giá tuân thủ doanh nghiệp.
Đồng thời, doanh nghiệp FDI còn chậm nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu. Không chấp hàng quyết định kiểm tra sau thông quan; nộp tờ khai hải quan khi chưa có hàng hóa xuất khẩu tập kết tại địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan; khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế...
Thậm chí có doanh nghiệp FDI, đưa nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị đến cơ sở khác gia công lại mà không thông báo cho cơ quan hải quan; không bảo quản nguyên trạng hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan hoặc hàng hóa được giao bảo quản theo quy định của pháp luật…
Khai sai về đối tượng không chịu thuế; đối tượng miễn thuế; quản lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với chứng từ kế toán, sổ kế toán, hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
“Chưa kể đến việc làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất…” đại diện HPA nhấn mạnh.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Để tránh rủi ro, vướng mắc, các doanh nghiệp FDI, đại diện HPA cho hay, tại Hội nghị, cơ quan Hải quan đã thẳng thắn đối thoại, chia sẻ với các doanh nghiệp FDI và giải đáp các khó khăn, vướng mắc về chính sách pháp luật hải quan trong quá trình hoạt động.
Trong đó, ngành Hải quan đặc biệt lưu ý một số vấn đề như, thời hạn khai và làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, phải khai sau khi hàng hóa đã tập kết đầy đủ hàng hóa tại địa điểm do người khai hải quan thông báo thông qua việc khai báo “Mã địa điểm lưu kho hàng chờ thông quan dự kiến”.
Trường hợp đã được cơ quan hải quan cấp mã: sử dụng mã đã được cấp để khai báo; trường hợp chưa được cơ quan hải quan cấp mã: sử dụng mã tạm của Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để khai báo (mã dùng chung)… Doanh nghiệp FDI phải khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 01 hoặc mẫu số 02 Phụ lục II Thông tư 38, 39.
Với trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công, sản xuất xuất khẩu, và xuất khẩu sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu, người khai hải quan phải khai mã sản phẩm xuất khẩu, mã nguyên liệu, vật tư nhập khẩu phù hợp với thực tế quản trị, sản xuất của người khai hải quan tại chỉ tiêu mô tả hàng hóa.
Hàng hóa nhập khẩu không có vận đơn, người khai hải quan phải thông báo thông tin về hàng hóa theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 13 Phụ lục II thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Hệ thống tự động cấp số quản lý hàng.
Thời hạn khai và làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, khai trước ngày hàng hoá đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu; Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đăng ký…
Trường hợp khai bổ sung, doanh nghiệp FDI khai hải quan tự phát hiện, áp dụng trong trường hợp hàng hóa đang làm thủ tục hải quan; trước thời điểm cơ quan Hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan; trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.
Thủ tục đưa hàng về bảo quản, hàng hóa nhập khẩu thuộc quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp có văn bản yêu cầu đưa hàng về bảo quản theo mẫu số 09/BQHH/GSQL tại Phụ lục V Thông tư 38/2015/TT-BTC…
Đối với doanh nghiệp chế xuất, khi xuất khẩu thực hiện thủ tục xuất khẩu như đối với hàng hóa xuất khẩu kinh doanh. Doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu từ nước ngoài để bán vào nội địa, sau khi nhập khẩu, doanh nghiệp bán vào thị trường Việt Nam không phải làm thủ tục hải quan.
Sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài khi nhập khẩu trở lại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công và phải chịu thuế đối với phần trị giá còn lại của sản phẩm theo mức thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm gia công nhập khẩu...
Có thể bạn quan tâm
“Sàng lọc” doanh nghiệp FDI lên sàn
11:15, 11/10/2020
[PCI 2019] 48% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi xin giấy phép xây dựng
15:06, 05/05/2020
[PCI 2019] Lần đầu tiên sau 10 năm, dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI "đảo chiều"
11:47, 05/05/2020
Doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế như thế nào?
05:01, 30/04/2020
VEPR: Chuyển giá của doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp
14:00, 28/04/2020