Đề xuất giảm giá nước sạch: Khắc phục "kẽ hở" trong xác định phương án giá nước
Dự thảo Thông tư quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước được kỳ vọng khắc phục “kẽ hở” trong quá trình phê duyệt phương án giá nước.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị cấp nước, cơ quan quản lý thực hiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng nước.
3 loại khung giá nước sạch
Theo dự thảo, khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho bán buôn và bán lẻ nước sạch (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy định theo 3 loại.
Cụ thể, hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp có giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3 và giá tối đa là 18.000 đồng/m3. Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn có giá tối thiểu là 2.000 đồng/m3 và giá tối đa là 11.000 đồng/m3.
Công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy có giá tối thiểu là 500 đồng/m3 và giá tối đa là 7.000 đồng/m3.
Trường hợp đặc thù như vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn, chi phí sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt cao hơn mức giá tối đa của khung giá do Bộ Tài chính ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho phù hợp.
Dự thảo nêu rõ Nguyên tắc xác định giá bán nước sạch, giá bán nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ (bao gồm cả chi phí duy trì đấu nối) để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành và lợi nhuận định mức hợp lý của khối lượng nước thương phẩm do các tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc thực hiện tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn và bán lẻ nước sạch theo quy định của Quy chế tính giá do Nhà nước ban hành và hướng dẫn tại Thông tư này.
Các đơn vị cấp nước bán lẻ nước sạch cho cả mục đích sinh hoạt và mục đích khác ngoài sinh hoạt, căn cứ giá nước sạch cho sinh hoạt do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định, tự quyết định giá nước sạch cho mục đích ngoài sinh hoạt đảm bảo cơ chế bù giá giữa các nhóm khách hàng có mục đích sử dụng khác nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Giá bán nước sạch của đơn vị cấp nước cho mục đích sinh hoạt hoặc cấp nước đồng thời cho mục đích sinh hoạt và mục đích khác ngoài sinh hoạt được xem xét điều chỉnh tối đa một lần một năm, khi các yếu tố chi phí biến động ảnh hưởng đến phương án giá nước. Giá nước sạch của đơn vị chỉ cấp nước cho mục đích khác ngoài sinh hoạt do đơn vị cấp nước quyết định việc điều chỉnh trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng sử dụng nước.
Khắc phục "kẽ hở"
Hiện nay, giá nước sạch hiện đang được quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của liên Bộ Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 75).
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, về mặt pháp lý hiện nay đã có nhiều văn bản quy định về định giá nước. Theo đó, các văn bản pháp lý đã quy định rất chi tiết, cụ thể về nguyên tắc định giá nước, phương pháp xác định giá nước, thẩm quyền quyết định giá nước. Trong đó, về thẩm quyền quyết định giá nước, Bộ Tài chính ban hành khung giá nước sạch sinh hoạt trên phạm vi toàn quốc, còn UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án giá nước và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn do địa phương quản lý, phù hợp với khung giá nước chung.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về định giá nước có quy định, giá nước phải tính đúng, tính đủ trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đến nay, hầu hết các địa phương chưa xây dựng được hoặc không xây dựng định mức dự toán sản xuất nước sạch, do đó, đây là “kẽ hở” khiến một số doanh nghiệp cung cấp nước có thể lợi dụng để lập phương án giá nước sai, không đúng quy định hoặc có thể dẫn đến những tiêu cực trong quá trình phê duyệt phương án giá nước.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, sản lượng cung ứng nước sạch trung bình của các đơn vị cả đô thị và nông thôn giai đoạn năm 2016 - 2018 tăng ở mức 3,93% - 7,46%, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hàng năm tăng khoảng 3,6% - 7,8% giai đoạn năm 2016 - 2018.
Bên cạnh đó, việc quy định tỷ lệ hao hụt nước sạch tối đa, cơ chế thưởng từ việc giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất, cung ứng nước để tính trong giá tiêu thụ nước sạch đã tạo ra tác động tích cực giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Quy định hiện hành cũng đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác xây dựng giá nước sạch, thẩm định và ban hành giá nước sạch sinh hoạt; hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá thành toàn bộ đối với nước sạch. Đáng chú ý, nước sạch khu vực nông thôn đã được quy định phương pháp xác định riêng.
Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình thực hiện của các địa phương và quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng nước sạch cho thấy, quy định hiện hành đã phát sinh nhiều bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.
Trên thực tiễn, đã xuất hiện các vướng mắc, tranh chấp liên quan đến việc áp giá nước. Đơn cử, Thông tư liên tịch số 75 quy định riêng giá nước cho đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp bao gồm trường học, bệnh viện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, khi có nhiều bệnh viện, trường học tư kinh doanh dịch vụ công với mô hình doanh nghiệp, thì áp giá hành chính, sự nghiệp hay áp giá kinh doanh, dịch vụ? Trên thực tế đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các đơn vị là bệnh viện, trường học tư với doanh nghiệp nước sạch và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định giá nước.
Có thể bạn quan tâm
Bao giờ tìm ra thủ phạm đầu độc kênh Cẩm Văn? (Kỳ III): Hàng nghìn hộ dân “dài cổ” chờ nước sạch
17:00, 30/09/2020
Hải Phòng: Báo động hàng trăm điểm “đầu độc” nguồn nước sạch
00:30, 09/09/2020
Hà Tĩnh: "Có nước sạch vẫn phải đào ao" vì nhà máy nước sạch vận hành thua lỗ
05:45, 22/07/2020
Vụ nhà máy nước sạch 6 tỷ bỏ hoang: Do vận hành thua lỗ
04:24, 22/07/2020
Chỉ 55% dân số ĐBSCL được sử dụng nước sạch
14:28, 28/05/2020
Bị tăng giá nước bán buôn bất hợp lý: Hủy hai bản án “phi lý”
05:34, 03/10/2020
Dowaco miễn, giảm giá nước sạch sinh hoạt
13:38, 13/05/2020