Dự án vành đai 2 TP.HCM bao giờ khép kín?
Những vướng mắc thực hiện hợp đồng BT khiến đoạn 3 của dự án đường vành đai 2 TP.HCM phải ngưng thi công, gây nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư và làm chậm tiến độ của dự án.
Theo Quyết định số 568/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, tuyến vành đai 2 giữ vai trò phân luồng giao thông khu vực nội thành TP.HCM.
Tạm dừng thực hiện dự án
Dự án vành đai 2 - đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa (Quận Thủ Đức, TP.HCM) dài 2,75km bắt đầu thi công từ năm 2017 do Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.
Theo hợp đồng BT giữa TP.HCM và Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái ký kết vào năm 2016 có giá trị 2.765 tỉ đồng, trong đó bồi thường mặt bằng là 1.821 tỉ đồng, còn lại là giá trị thực hiện dự án. Nhà đầu tư sẽ thực hiện tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng và thi công dự án, sau đó TP.HCM sẽ thanh toán quỹ đất.
Trao đổi với DĐDN, đại diện nhà đầu tư cho biết, hiện tại, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do mặt bằng chưa được giải quyết; TP.HCM hiện vẫn chưa thanh toán tiền cho nhà đầu tư; các bên có liên quan chưa ký phụ lục hợp đồng BT. Do đó, nhà đầu tư phải ngừng thi công dự án.
Việc tạm dừng thi công dự án cho đến khi ký lại phụ lục hợp đồng BT theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời UBND TP.HCM thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.
Để sớm hoàn thành dự án vành đai 2, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan cần sớm giải phóng mặt bẳng đoạn 3 của dự án; thanh toán quỹ đất cho chủ đầu tư; và các bên có liên quan ký phụ lục đồng đồng BT theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, Sở đã nắm được những khó khăn, vướng mắc của Chủ đầu tư và đã có kiến nghị với HĐND TP.HCM, các sở ngành và quận huyện có liên quan nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để hoàn thành đoạn 3, góp phần khép kín đường vành đai 2.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Theo LS. Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Hưng, khi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thì phương thức đầu tư theo hình thức BT (xây dựng chuyển giao) sẽ bị “khai tử”.
Đối với các dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Tuy nhiên theo Khoản 5, Điều 101 của Luật PPP, Dự án BT thuộc đường vành đai 2, TP.HCM vẫn tiếp tục được thực hiện theo những gì đã ký kết giữa TP.HCM với nhà đầu tư mà không bị ảnh hưởng bởi Luật PPP mới.
Theo quy định hợp đồng BT, doanh nghiệp làm bao nhiêu thì TP.HCM thanh toán bấy nhiêu. Đến nay, dự án đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, nhưng TP.HCM chưa thanh toán quỹ đất nên tiền lãi ngày càng tăng lên. Theo đó, khoản lãi vay mà TP.HCM phải chịu tính đến thời điểm hiện nay khoảng trên 200 tỷ đồng.
Điều mà nhà đầu tư mong đợi là từ nay đến cuối năm 2020, nhà đầu tư sớm được ký phụ lục hợp đồng BT, TP.HCM thanh toán quỹ đất và sớm bàn giao mặt bằng. Khi đó, nhà đầu tư sẽ gấp rút thi công hoàn thiện tuyến đường này trong vòng 18 tháng tiếp theo. Tức là, TP.HCM sẽ đưa đoạn đường này vào khai thác vào năm 2022.
Có thể bạn quan tâm