Chủ tịch VCCI: Sẽ có cuộc “đổ bộ” của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nếu Nghị Quyết số 55-NQ/TW được thực hiện đúng hướng, sẽ có cuộc “đổ bộ” lớn của các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, là động lực cho phát triển nền kinh tế.
Phát biểu tại "Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam", TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, khi bàn về các lĩnh vực tiềm năng giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, các ý kiến đều đồng nhất xác định rằng năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng là hai lĩnh vực có cơ hội bùng nổ tới đây.
Trên thực tế, năng lượng là bài toán quan trọng và phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, điều này càng đúng và có ý nghĩa thiết thực hơn đối với các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí…đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước.
Theo báo cáo thống kê, nhu cầu điện trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn với tình trạng thiếu điện trầm trọng, dự báo năm 2023 có thể thiếu tới 13 tỷ kWh, trong khi đã phải phát điện dầu gần 11 tỷ kWh. Đến hết năm 2023, công suất nguồn điện bị thiếu hụt so với quy hoạch lên tới 12.690 MW. Tình trạng thiếu hụt nguồn điện sẽ được cải thiện trong các năm 2024 và 2025 do đưa vào vận hành một số nhà máy nhiệt điện, nhưng dự báo đến hết năm 2025, nguồn điện sẽ vẫn còn thiếu hụt khoảng 7.250 MW.
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch VCCI cho biết, Bộ Chính Trị đã ban hành Nghị Quyết số 55-NQ/TW ngày 11/ 02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị không chỉ định hướng phát triển cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, mà còn nắm bắt được xu hướng phát triển, đảm bảo nhu cầu năng lượng của khu vực. Nếu được thực hiện đúng hướng, có thể sẽ có cuộc “đổ bộ” lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đây thực sự là động lực cho phát triển nền kinh tế Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh, ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Có thể nói, chủ trương định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là đúng đắn, được Bộ Chính Trị ủng hộ, khuyến khích, Chính Phủ chỉ đạo quyết liệt, doanh nghiệp tích cực vào cuộc và lộ trình phát triển đã có những khởi đầu đáng khích lệ.
Với cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo của Chính phủ, nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo. Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). Trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về số lượng và quy mô dự án Năng lượng tái tạo. Theo đó, đến nay, toàn quốc đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5.245MW).
Trong đó, chỉ riêng trong quý II/2019 có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.000MWp được đưa vào vận hành. Đây là khối lượng công việc kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành Điện Việt Nam và số lượng nhà máy được đưa vào vận hành cũng là kỷ lục từ trước đến nay.
Với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn nhận định, quá trình phát triển “thần tốc” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, công nghệ, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính.
“Đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí mất phương hướng và có nguy cơ hủy bỏ. Việc quản lý, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương về thực thi chính sách trong một số trường hợp chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu quy hoạch và dự báo cung cầu còn yếu; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện triển khai còn nhiều vướng mắc”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, việc triển khai ngay một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là vô cùng cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của Chính phủ, các Bộ, ngành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam
13:45, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Hướng dẫn vẫn “cản đường”
11:00, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Gợi mở từ thực tế
11:00, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Giải pháp tổng thể cho điện mặt trời
16:52, 27/10/2020
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
11:00, 26/10/2020
Cơ hội từ xã hội hoá truyền tải điện
11:00, 27/10/2020