Phát triển năng lượng tái tạo: "Cửa" lớn đã mở!
Để phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng.
Đó là khẳng định của ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công thương tại Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đang diễn ra chiều 28/10.
Theo ông Quân, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược NLTT), nêu rõ mục tiêu “Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 43% vào năm 2050”.
Tiếp theo đó, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đặt ra mục tiêu phát triển NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030, 25-30 % vào năm 2045.
Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời.
Có thể kể đến việc áp dụng giá mua ưu đãi cố định trong 20 năm (điện gió trên bờ: 8,5 UScent/kWh; điện gió ngoài khơi 9,8 UScent/kWh áp dụng cho các dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021, điện sinh khối công nghệ đồng phát nhiệt điện: 7,03 UScent/kWh; điện sinh khối khác: 8,47 UScent/kWh; công nghệ đốt rác phát điện: 10,05 UScent/kWh, điện mặt trời 9,35 UScent/kWh áp dụng cho các dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/7/2019) và 7,09 UScent/kWh điện mặt trời mặt đất, 7,69 UScent/kWh điện mặt trời nổi, 8,38 UScent/kWh điện mặt trời mái nhà áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào vận hành trong giai đoạn từ 01/7/2019 đến 31/12/2020.
Bên cạnh đó, giá bán điện được cố định theo đồng USD, thanh toán bằng VND theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán; Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành và nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế VAT... thuế sử dụng đất ở mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành.
Về hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo, theo ông Quân, công suất lắp đặt tính đến hết tháng 9 năm 2020 tổng công suất lắp đặt điện gió đạt 485 MW, điện mặt trời đạt 5.829 MW, điện sinh khối đạt 169 MW chiếm khoảng 11,2% tổng công suất lắp đặt toàn quốc.
Ông Quân cho biết sản lượng điện, tính đến hết tháng 9/2020, sản lượng điện sản xuất từ điện gió đạt 630 triệu kWh, điện mặt trời đạt 7.274 triệu kWh, điện sinh khối đạt 303 triệu kWh chiếm khoảng 4,4% tổng lượng điện sản xuất toàn quốc.
Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 14/10/2020 đã có trên 57 nghìn hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.747 MWp.
Cũng tại diễn đàn ông Quân cho biết kế hoạch chính sách dài hạn, trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.
"Về vấn đề chính sách, với các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi thấp nhất", ông Quân nói.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.
"Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện", ông Quân cho biết.
Cùng với đó, theo ông Quân cũng cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam để đảm bảo điện năng lượng tái tạo phát triển bền vững hơn. Đối với một số loại hình NLTT mới ở Việt Nam như điện gió ngoài khơi, điện thủy triều..., tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển phù hợp với tiềm năng, khả năng phát triển ở Việt Nam.
"Tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện", ông Quân kết luận.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch VCCI: Sẽ có cuộc “đổ bộ” của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo
14:37, 28/10/2020
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam
13:45, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Hướng dẫn vẫn “cản đường”
11:00, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Gợi mở từ thực tế
11:00, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Giải pháp tổng thể cho điện mặt trời
16:52, 27/10/2020
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
11:00, 26/10/2020