Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo và thực tiễn tại Việt Nam
Phiên đối thoại trao đổi các vấn đề về cơ chế chính sách, tài chính, công nghệ, kỹ thuật, quy hoạch và môi trường cho phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, diễn ra chiều 28/10 tại Hà Nội.
Phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và Môi trường Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tổ chức.
CÁC VẤN ĐỀ VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH VÀ TÀI CHÍNH CHO PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Điều phối phiên thảo luận là ông Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam cho biết, vấn đề thủ tục cấp phép là rào cản thứ nhất với các nhà đầu tư điện gió.
“Khi chúng tôi bắt đầu đầu tư dự án điện là vào năm 2016, khi hồ sơ gửi các cấp, có quy định về thẩm định dự án công suất trên 50MW thì phải trình Thủ tướng chấp thuận. Đáng nói, một bộ hồ sơ gửi lên, Bộ Công Thương sẽ gửi xin ý kiến 12 đơn vị sau đó mới trình Thủ tướng, chưa kể tất cả các cấp địa phương sẽ thẩm định sau khi Thủ tướng phê duyệt. Vậy chưa nói đến cấp địa phương, chỉ cần 1 trong 12 cơ quan trung ương này “buồn” chút thôi là dự án dừng lại”, ông Bắc chia sẻ.
Thứ hai, vấn đề chính sách do Chính phủ đưa ra, nhưng 2 năm sau lại thay đổi chính sách, trong khi thủ tục doanh nghiệp theo 3 năm chưa xong.
Thứ ba, vấn đề đất đai. Theo ông Bắc việc liên kết, liên doanh với bà con nông dân là không thể. Bởi, đất đai tại Việt Nam phải được thu hồi sau đó mới cho thuê lại. Doanh nghiệp rất khó làm việc với từng bà con. Bên cạnh đó, giá đền bù đất hiện cũng chưa có.
“Hàng nghìn ha đất bỏ hoang trên đồi nhưng khi đền bù nhân hệ số 3 tức khoảng 1 tỷ cho 1ha. Doanh nghiệp đồng ý tạo điều kiện cho nông dân, đó là hài hoà lợi ích. Nhưng có những trường hợp nông dân năm nay ký với doanh nghiệp này sang năm lại ký với doanh nghiệp khác. Vậy hàng nghìn tỷ của doanh nghiêp đã đổ vào thì sao?”, ông Bắc đặt vấn đề.
Thứ tư là bất cập giá FIT đã hết hạn trong khi đấu giá chưa được thực hiện. Cho biết mới đây Ngân hàng thế giới đưa ra khuyến cáo mức giá FIT cho năng lượng tái tạo là 4,1 cent, ông Bắc đánh giá là “là không đúng” vì tham vấn này dựa trên khảo sát đầu tư của Campuchia. Do đó, cần tham khảo thêm, không thể mang tư vấn của họ vào Việt Nam sẽ là cập kễnh.
Cùng với đó, ông Bắc kiến nghị là tại sao chúng ta phải phân biệt các loại điện gió, điện mặt trời, điện LNG, do đó, cần bình đẳng trong công tác đấu thầu.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) đã đưa ra các đề xuất cụ thể. Thứ nhất, nên chăng cơ quan địa phương tạo điều kiện doanh nghiệp chia sẻ lợi ích sử dụng nguồn đất đai với chính quyền sở tại, chia sẻ lợi nhuận hàng năm từ bán điện - đây là việc chia sẻ lợi ích một cách toàn diện.
Điều này giúp người dân trong khu vực thấy được lợi ích, bảo vệ cánh đồng điện của mình, chính quyền địa phương có thêm nguồn thu nhập phục vụ công cộng, đây là giải pháp cân bằng lợi ích về đất.
Thứ hai là vấn đề cơ chế tài chính cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam. Tại sao chỉ có điện mặt trời lại phải đấu giá trong khi nhà máy điện gió lại không cần? Điện mặt trời thời gian triển khai nhanh hơn so với điện gió.
Việc dự thảo tổ chức đấu giá điện mặt trời là động thái tích cực từ chính phủ để tiếp nhận nguồn điện mặt trời lên lưới ở khu vực phù hợp giúp doanh nghiệp phát đầy đủ công suất. Nếu đấu giá sẽ tìm được các trạm biến áp còn tải để doanh nghiệp có thể đầu tư phát đầy đủ công suất.
Nếu áp dụng giá FIT khiến tất cả đều hòa lưới điện khiến giảm công suất của các nhà máy mà lại gây lãng phí đầu tư của xã hội trong tương lai nên đấu giá là giải pháp tốt cho phát triển trong tương lai của năng lượng tái tạo.
Ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch điện gió Bình Thuận cho rằng, thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều về việc cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Từ góc độ nhà đầu tư và tập hợp ý kiến của các nhà đầu tư chúng tôi cho rằng không cần phải có luật về năng lượng tái tạo bởi luật pháp của Việt Nam đã bao trùm tất cả.
“Để làm một dự án có 5- 6 luật chi phối như luật xây dựng, luật quy hoạch, luật xây dựng, luật đất đai,….tạo nên một vòng tròn để doanh nghiệp hoạt động. Càng nhiều vòng tròn thì room cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng nhỏ. Vấn đề là chúng ta thực thi những cái đang có như thế nào” – ông Thịnh nói.
Ông cũng cho biết, điện gió và mặt trời quy hoạch đã có. Điện mặt trời quy hoạch 2020 có 850 MW nhưng năm 2019 chúng ta đã phê duyệt gấp 10 lần. Điện gió đã có chính sách giá FIT. Có thể nói các chính sách thì đã có đó là nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã có quy hoạch, chiến lược và chính sách cụ thể để triển khai.
Ông Thịnh cũng thông tin, chính sách cho điện gió chưa hợp lý và cần điều chỉnh. Doanh nghiệp cũng có kiến nghị để gia hạn ưu đãi nhưng chưa biết có được gia hạn hay không. “Nếu không được gia hạn ưu đãi thì liệu năm 2021 có đạt được 2.000 MW, năm 2025 có đạt được 5.000 MW không?” – ông đặt câu hỏi và cho biết làm điện gió rất kén nhà đầu tư. So với điện mặt trời, điện gió có 3 điểm khó.
Thứ nhất là khó về công nghệ. Khó trong thi công lắp đặt khó không phải ai cũng làm được. Thứ hai là khó về OME/ O&E, kí hợp đồng phải mua dịch vụ 20 năm nhà cung cấp mới cung cấp. Thứ ba là về tài chính, suất đầu tư lớn, thời gan thu vốn dài mà giá FIT hiện nay khó nên nhà đầu tư điện gió gặp nhiều khó khăn.
“Chính phủ nếu không gia hạn giá Fit kịp thời thì mục tiêu quy hoạch khó đạt được. Năng lượng tái tạo là phù hợp nhất để sống thuận thiên nhiên” – ông Thịnh bày tỏ.
Ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ năng lượng, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, hiện có nhiều ý kiến cho rằng giá điện với từng loại năng lượng tái tạo khác nhau là do mức đầu tư của từng loại hình dự án là khác nhau. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ nên giá sản xuất cũng đã giảm, do đó, nhiều nước đã đồng thuận đấu giá điện năng lượng tái tạo.
Ông cho rằng, điều cần nhất lúc này là tuân thủ quy hoạch. “Thời gian vừa qua chúng ta đã có sự phát triển nóng, do đó, cần quy hoạch thời điểm nào, cần nguồn điện bao nhiêu, phân bổ cho từng loại điện gió, mặt trời… như thế nào”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Phúc cho biết, có ý kiến cho rằng, giá điện năng lượng tái tạo khu vực phía Bắc phải cao hơn phía Nam vì mức bức xạ nắng và gió thấp hơn, điều này ảnh hưởng đến công suất của dự án. Do đó, có thể xem xét quy định mức giá theo khu vực để tạo sự cạnh tranh hơn.
Thứ hai, về giá điện áp mái, chúng ta đang quy định cao hơn giá điện thương mại. Lý do cao hơn bởi vì điện áp mái được sản xuất phân tán và tận dụng được cơ sở hạ tầng hiện hữu không phải xây dựng thêm các trạm biến áp… Tuy nhiên, quy định hiện còn chưa cụ thể như những khu vực có thể xây dựng công suất cao lại không được cụ thể.
“Do đó, cần quy định rõ, chỗ nào tận dụng được cơ sở hạ tầng thì là điện áp gió, có giá riêng, còn những nơi xây dựng thêm thì phải là điện thương mại áp dụng giá chung”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Lê Hải Hưng - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ (IRAT) cho rằng cần giải pháp tổng thể cho điện mặt trời ở Việt Nam.
Theo số liệu từ EVN, tính đến tháng 8/2020 có 164,05 tỷ KWh cả điện sản xuất và mua trong đó điện mặt trời mới chỉ có 6,39 tỷ MW. Dù phát triển nóng nhưng điện mặt trời đóng góp chỉ có 3,9%. Cứ như vậy điện mặt trời khó trở thành cứu cánh với công cuộc phát triển năng lượng ở Việt Nam trong tương lai.
Dường như chính sách cũng là cú hích nhưng theo ông Hưng thì có vẻ đang đối phó sự phát triển nóng của điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung. Với Quyết định 11/2017/QĐ-TTg Về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực vào 30/6/2019 sau đó chúng ta có Quyết định 13/2020/QĐ-TTg Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam với tinh thần ban hành giá điện cho điện mặt trời mái nhà hết hạn 31/12/2020. Hiện nay Chính phủ đang bàn giải pháp đấu giá, với tinh thần bỏ giá FIT và các dự án điện mặt trời phải thông qua đấu thầu.
Từ thực trạng trên, ông cho rằng cần giải pháp tổng thể cho điện mặt trời ở Việt Nam. Thứ nhất là chế ngự và khắc phục hạn chế của điện mặt trời để biến nó thành năng lượng chủ lực, ổn định, tin cậy, trong tương lai.
Muốn vậy, nhà nước và cơ quan chức năng cần đặt tỷ trọng điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo chiếm bao nhiêu % chứ không tính bao nhiêu MW, KWh.
Đồng thời theo ông, thứ hai là phát triển điện mặt trời thì phải quy hoạch phát triển hệ thống truyền tải. Những khó khăn vừa qua là ở hệ thống truyền tải. “Tôi cho rằng, nhà nước không nên độc quyền xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải mà nên huy động nguồn lực xã hội nhất là doanh nghiệp tư nhân nhất là các doanh nghiệp làm điện mặt trời” – ông Hưng nói.
Thứ ba, cần sớm đặt vấn đề phát triển hệ thống lưu trữ điện mặt trời. Đây là giải pháp lâu dài phát triển điện mặt trời nói riêng và các nguồn năng lượng tái tạo nói chung. Đến lúc nào đó khi năng lượng truyền thống cạn kiệt, con người phải dùng 100% năng lượng tái tạo. Và muốn tích lũy được cần đưa kĩ thuật gắn liền với năng lượng, đảm bảo vững chắc đưa năng lượng tái tạo vào nguồn năng lượng quốc gia.
Ông Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội đồng bình chọn, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường – UB TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết, chúng ta nói nhiều tới năng lượng mặt trời, năng lượng gió nhưng không nên bỏ qua một dạng năng lượng nữa là sinh năng - năng lượng sinh học.
Ở Nepal rất nhiều gia đình sử dụng bể khí metal trong sinh hoạt: thắp sáng, nấu ăn… việc sử dụng bể metal nước ta trước đây đã từng được ứng dụng, tuy nhiên chúng ta đã bỏ quên bể metal và không sử dụng nữa.
GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, Việt Nam là một nước nông nghiệp, nếu mỗi một gia đình nông dân đều có một bể metal sẽ giúp cắt giảm rất nhiều năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, những nơi làm điện mặt trời đang lãng phí lượng đất ở dưới các tấm pin năng lượng, vậy thì có thể tận dụng được gì ở dưới panel mặt trời hay không? “Tôi thấy có hai loại có thể sản xuất được từ rơm rạ chúng ta bỏ đi" – ông nói – “Rơm làm được gì dưới panel? Rơm có thể trồng nấm, rơm có thể nuôi giun quế làm thức ăn chăn nuôi, nếu dưới tấm panel thành cơ sở sản xuất nấm, giun quế là rất tốt”.
Thứ ba, chúng ta nên cân nhắc việc sử dụng rác làm nguyên liệu sản xuất điện. Chuyển hóa rác phải theo con đường sinh học theo hướng vi sinh vật, không theo hướng đốt gây ô nhiễm và tốn nhiều tiền để chuyển rác thành điện năng.
CÁC VẤN ĐỀ CÔNG NGHỆ, KỸ THUẬT, QUY HOẠCH VÀ MÔI TRƯỜNG
Điều phối viên PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Giám đốc Viện KHCN Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản; Phó Chủ nhiệm Chương trình trình KHCM trọng điểm Nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ năng lượng.
Ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra 4 vấn đề.
Thứ nhất, là vấn đề dự phòng điện. Ông Nguyễn Tài Anh cho biết, mỗi đất nước đều phát triển năng lượng qua 3 giai đoạn, giai đoạn một là thiếu hụt; giai đoạn hai là phát triển nhanh và giai đoạn ba là phát triển bão hoà.
“Chúng ta đang ở giai đoạn phát triển nhanh. Với giai đoạn phát triển như vậy, cần xem xét chính sách phát triển đã phù hợp chưa?”, ông Nguyễn Tài Anh cho biết.
Thứ hai, chính sách về năng lượng. Theo đó, các quốc gia đều có 3 tiêu chí trong xây dựng chính sách năng lượng, đó là tin cậy-bảo vệ môi trường-nền kinh tế người dân phải chịu đựng được. Trong đó, tiêu chí thứ 3 là quan trọng nhất.
“Ở Đức giá năng lượng tái tạo là 30 cent với giá đó nền kinh tế và người dân Việt Nam không thể chịu được. Chính phủ một số nước đã phải bù giá. Do đó, mỗi quốc gia phải có chính sách phù hợp”, ông Nguyễn Tài Anh chia sẻ.
Ở Châu Âu, mức dự phòng năng lượng gần tương đương mức nhu cầu. Trong khi đó, chúng ta hầu như không có dự phòng, do đó, việc đưa năng lượng tái tạo – mô hình năng lượng không liên tục cần có nguồn dự phòng.
“Theo tính toán, tại Việt Nam, tỷ lệ năng lượng tái tạo ở mức 20% là phù hợp. Nếu không chúng ta phải có dự phòng tức là phải có pin dự phòng, hạ tầng lưới… các thiết bị này sẽ phải tính vào giá” - ông lưu ý.
Thứ ba, về truyền tải. Ông Nguyễn Tài Anh cho biết, hiện nay trên thế giới không có nhà đầu tư tư nhân nào mong muốn đầu tư vào truyền tải bởi chi phí cao và khó khăn, Việt Nam hiện cũng chỉ có Trung Nam là doanh nghiệp duy nhất đầu tư vào truyền tải.
“Đường truyền tải cũng có khó khăn là hệ thống 500kw phải mất đến 5 năm mới xây dựng được, đây là khoảng cách lớn, trong khi chính sách đất đai ngắn và chưa rõ ràng về đền bù, đền bù kéo dài”, ông Nguyễn Anh Tài nói.
Thứ tư, về thị trường điện. Dự kiến đến năm 2030 chúng ta cần 13 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện, trong đó có lưới điện. Do đó, kiến nghị, phương án một đầu tư năng lượng tái tạo+lưới sau đó chúng ta đấu thầu. Phương án hai, đầu tư năng lượng tái tạo+lưới+pin và chúng ta đấu giá. Bởi chỉ có đấu giá chúng ta mới có thị trường cạnh tranh.
TS Mai Huy Tân – Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (VIDEBRIDGE) cho biết đã cùng với Halcom đưa công nghệ điện rác với công nghệ Đức, công nghệ khí hóa rác thải sau khi phân loại để biến thành điện năng.
Điện rác có tác động kép với xã hội vừa cung cấp điện tái tạo, dùng liên tục, giờ phát điện của nhà máy điện rác là 8.600h/ năm. Thời gian sửa chữa vận hành 30 năm không hỏng hóc, thu hồi vốn trong 15 năm.
Tuy nhiên, theo TS Tân cái khó là thủ tục phức tạp khiến chúng tôi vào dự án từ 2016 đến nay chưa được cấp giấy phép.
Với tính toán với xử lý rác thải để đảm bảo ½ dân số Việt Nam sống ở đô thị thì những đô thị đó phải dùng phương pháp xử lý điện khí hóa rác để biến thành điện thì chúng ta làm được ít nhất 25 tỷ KW/ năm, phát tốt hơn nhà máy nhiệt điện.
Ông thông tin, trước kia Bộ Xây dựng được giao là đơn vị chủ quản cho vấn đề điện rác giờ chuyển sang Bộ TN&MT nhưng hiện nay chưa có tiêu chí về công nghệ điện rác. “Chúng tôi đã tổng kết và đưa ra 13 tiêu chí cần có để lựa chọn công nghệ điện rác cho Việt Nam”- ông nói.
Điện gió hiện nay các trang trại điện gió thiết bị đều nhập khẩu. “Chúng tôi có kí hợp đồng với 1 tập đoàn của Đức để chuyển giao công nghệ và nội địa hóa sản xuất thiết bị điện gió ở Việt Nam. Chúng ta chỉ có một nền công nghiệp năng lượng tái tạo khi chúng ta sản xuất được thiết bị và điện từ điện gió” – ông nói.
Về điện mặt trời hơi lãng phí đất nông nghiệp. Ông Tân cho biết, mô hình đưa ra là mô hình sinh thái tuần hoàn ở Hậu Giang. Ở trang trại lắp điện mặt trời áp mái có lưu điện ở mái chuồng bò và các nhà máy sản xuất, trang trại.
Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký – Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, đối với pin mặt trời hiện nay công nghệ đa tinh thể có công suất từ 16-20% và đơn tinh thể mang lại 23-25%. Hiện nay công nghệ đang phát triển giúp hiệu suất của pin năng lượng lên 30% cải thiện hiệu suất sử diện tích sử dụng pin mặt trời.
Đối với điện gió, xu hướng công suất càng ngày càng lớn, chiều cao của cột điện gió càng ngày càng cao hơn; thì dự kiến các cột gió ngoài khơi và trên bờ đã lên tới 14-15MW, tương lai gần cột gió có thể lên tới 200m mang tới công suất 1 tua bin lên đến 20MW.
Ông Vy cho rằng, mặc dù công nghệ thì hiệu quả hơn, suất đầu từ càng ngày càng giảm khiến giá thành sản xuất điện ngày càng giảm.
Về pin lưu trữ thì cũng phát triển nhanh và giá giảm cũng rất nhanh. So với giá 2 năm, theo báo cáo của Đan Mạch giá pin lưu trữ đã giảm chỉ còn 20-30% so với cách đây 2-3 năm. Pin lưu trữ xu hướng ô tô chạy điện khi cắm vào nguồn điện tại nhà có thể trở thành pin lưu trữ dùng để phát điện cho cả nhà.
Công nghệ khí sinh học như giáo sư Dũng nói, hiện các cơ chế hỗ trợ các dự án NLTT hiện nay đã gần đủ, Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ các dự án điện sử dụng khí sinh học. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ xong dự thảo và đầu năm 2021 sẽ trình Chính phủ phê duyệt.
Đối với điện gió ngoài khơi, các nhà đầu tư Anh đã đề xuất từ điện gió chuyển sang hydrogen, amoniac coi như không cần đấu nối mà chuyển thẳng.
Tiêu chuẩn rất nhiều, chiến lược của Việt Nam đặt từng bước nội địa hóa chế tạo các thiết bị thay thế phần nhập khẩu, tiêu chuẩn phải nghiên cứu để ban hành tiêu chuẩn đồng bộ.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, qua 2 phiên thảo luận, ban thư ký đã tổng hợp được 9 nhóm vấn đề cụ thể liên quan tới: Chính sách và chiến lược; quy hoạch; thủ tục giấy phép; cơ chế giá và cơ chế đấu thầu; vốn; truyền tải điện; các vấn đề liên quan đến môi trường; kinh tế tuần hoàn xoay quanh khai thác mặt đất, mặt nước và cuối cùng là các vấn đề liên quan tới điện rác, điện sinh khối.
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn cho biết, các vấn đề tổng hợp sẽ được gửi lên VCCI để gửi các cơ quan chức năng có liên quan.
Kiến nghị thêm tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty IQLink - Giám đốc Công ty Cổ phần Điện Mặt trời Sunseap Link Việt Nam cho biết, Quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh sau khi cấp cho các doanh nghiệp có quy định trong thời gian xây dựng không được chuyển nhượng hoặc bán cổ phần của dự án. Chúng ta phải nhìn nhận điều này có hợp lý hay không?
Ông chia sẻ, nếu doanh nghiệp có vấn đề về dòng vốn mà lại có nguồn tài trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài để mua cổ phần thì như vậy sẽ giảm tiền ngân sách của Việt Nam để cho doanh nghiệp vay mượn vừa giảm rủi ro, đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp.
“Cần nghiên cứu lại chính sách để doanh nghiệp Việt Nam cần kêu gọi vốn tại sao lại ngăn cản, như vậy vô lý. Đề nghị nên gỡ và mở cửa cho dòng vốn nước ngoài vào” – ông Bắc nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển năng lượng tái tạo: Còn nhiều “điểm nghẽn” trong chính sách
15:33, 28/10/2020
Phát triển năng lượng tái tạo: "Cửa" lớn đã mở!
14:49, 28/10/2020
Chủ tịch VCCI: Sẽ có cuộc “đổ bộ” của các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo
14:37, 28/10/2020
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam
13:45, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Hướng dẫn vẫn “cản đường”
11:00, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Gợi mở từ thực tế
11:00, 28/10/2020
Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo: Giải pháp tổng thể cho điện mặt trời
16:52, 27/10/2020
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
11:00, 26/10/2020