Vì sao cá tra còn xa thị trường nội địa?
20 năm nuôi trồng chế biến, xuất khẩu, con cá tra Việt Nam đã đi đến 150 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng tiêu thụ ở thị trường nội địa thì còn rất khiêm tốn, vì sao?
Cá tra chật vật “bơi” trong ao nhà
Từ năm 2017, chương trình quảng bá, tiêu thụ cá tra và sản phẩm cá tra tại thị trường miền Bắc đã được Bộ NN&PTNT triển khai.Tuy nhiên, cho đến nay người tiêu dùng miền Bắc vẫn chưa mặn mà tiêu thụ sản phẩm này.
Là người tâm huyết với việc đẩy mạnh tiêu thụ cá tra nội địa từ nhiều năm nay như ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May cũng cho rằng: mặc dù Công ty đã xuất khẩu cá tra đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng/năm, nhưng lại chưa gắn kết kênh phân phối ở thị trường nội địa, kể cả hệ thống siêu thị và chợ truyền thống.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp)-đơn vị xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam cũng cho biết rất “chật vật” khi đưa cá tra về “sân nhà”, mới đây đơn vị này đã tung ra thị trường hẳn một thương hiệu BASAmaster - bộ sưu tập những món ăn từ sản vật sông Mekong tuy gây được sự chú ý của người tiêu dùng nhưng doanh số tiêu thụ vẫn chưa chuyển biến tích cực.
Trước đó Công ty cổ phần Gò Đàng cũng đã đầu tư dây chuyền chế biến thức ăn nhanh từ cá tra. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty Gò Đàng: mặc dù thị trường nội địa được đánh giá rất tiềm năng nhưng trong thời gian ngắn cũng khó phát triển được.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), do người tiêu dùng tại khu vực ĐBSCL dễ dàng tiếp cận với nhiều loài thủy sản khác nên sức tiêu thụ cá tra còn ít. Đối với thị trường phía Bắc tuy rất chuộng con cá tra nhưng cũng không thích ăn sản phẩm đông lạnh, điều này rất khó cho kênh phân phối vì đi xa thì không còn cách nào khác là phải cấp đông. Việc chế biến thành các sản phẩm ăn liền cũng gặp khó vì khẩu vị của từng vùng, miền khác nhau. Chính những trở ngại đó đã khiến thời gian qua việc mở rộng thị phần tiêu thụ cá tra nội địa còn hạn chế.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng với tâm lý bán hàng một lần số lượng lớn, giá cả tốt hơn thị trường nội địa nên lâu nay các doanh nghiệp chuộng xuất khẩu, khi xuất khẩu gặp khó mới quay về thị trường nội địa nên chưa xây dựng được kênh phân phối, đây là một hạn chế mà doanh nghiệp cần khắc phục.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản Trần Đình Luân: Do cá tra được nuôi, thu hoạch, giết mổ, chế biến theo một chuỗi khép kín tương đương như ở Mỹ nên tạo ra hàng trăm sản phẩm thơm, ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện nay, sản phẩm cá tra không chỉ có cá tra phi lê, cắt khúc hay nguyên con mà đang có khoảng 80 sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao như: cá tra giả lươn, cá tra tẩm bột, xúc xích…đây là điều kiện tốt để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa song hành với xuất khẩu.
Cần mở “đường bơi” nội địa cho con cá tra
Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa mỗi năm lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân của người Việt khoảng 35 kg/năm và dự báo đạt 44 kg/người/năm từ năm 2020 trở đi.
Còn theo phân tích của ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May: với diện tích nuôi cá tra khoảng 6.000ha, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm nếu chúng ta tiêu thụ nội địa được khoảng 1/3 ( 500.000 tấn), 2/3 còn lại phục vụ cho xuất khẩu thì cơ cấu thị trường rất hợp lý, cân đối cung cầu, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng: để mở “đường bơi” cho con cá tra tại thị trường nội địa thì ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần lắm sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước, nhất là khâu thủ tục hành chính.
“Sản phẩm của doanh nghiêp đã xuất khẩu khắp thế giới, ấy thế mà khi quay về với thị trường nội địa lại phải “khổ sở” với nhiều loại giấy chứng nhận để được bán hàng trong nước, đây là một bất hợp lý cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét cải cách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Đạo đề xuất.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng: giá cá tra thị trường nội địa đang rẻ hơn nhiều loại thủy sản khác thì không lý do gì mà không cạnh tranh được. “Vấn đề hiện nay là Nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ nội địa; có chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phát triển đa dạng sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu thay vì cứ tập trung vào xuất khẩu cá tra phi lê như hiện nay. Nếu tháo gỡ được những điểm nghẽn này thì ngành hàng cá tra sẽ có thêm một kênh tiêu thụ mới, tiềm năng”.
Có thể bạn quan tâm