"Mục tiêu GDP đầu người năm 2021 quá cao"
Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc nhận định, chỉ tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 6% là cao trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, thiên tai khó lường, đề nghị xem xét cho hợp lý.
Thảo luận tại hội trường sáng ngày 4/11 về kế hoạch năm 2021, Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nhận định, chỉ tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 6% là cao trong bối cảnh tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề. "Đề nghị xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý", Đại biểu nói.
Cùng với đó, chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người, dự kiến đạt 3.700 USD, cũng được đánh giá là quá cao, vì bình quân năm 2020 mới đạt 2.750 USD. Do đó, Đại biểu "đề nghị xem lại tính khả thi".
Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%, thấp hơn năm 2019 và 2020, theo ông Tiến cũng cần xem lại, bởi Việt Nam đang nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng khoa học công nghệ.
Trước đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần tính toán đưa ra nhiều phương án cho tăng trưởng GDP năm 2021, không lạc quan với mục tiêu 6% đang được Quốc hội xem xét.
Cụ thể, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản tăng trưởng khác nhau chứ không chỉ có một kịch bản trình Quốc hội thảo luận là tăng trưởng GDP 6%.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, có thể đưa ra 2 kịch bản, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, nếu không thuận lợi, có thể tăng trưởng 4,5%.
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.
Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).
Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
Như vậy, mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, các mục tiêu bước đầu đặt ra cho giai đoạn 5 năm tới là khá tham vọng. Mục tiêu tổng quát là “bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”.
Có thể bạn quan tâm
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 6-6,5% là phù hợp và khả quan
10:32, 03/11/2020
PDR tăng trưởng đột biến hơn 173% cả doanh thu và lợi nhuận trong quý 3/2020
13:30, 29/10/2020
Tìm động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới
04:30, 24/10/2020
Kinh tế ASEAN tiếp tục suy giảm tăng trưởng
01:00, 22/10/2020
VEPR hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020
12:00, 21/10/2020