Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế 2021
Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - VCCI tổ chức hồi 14h ngày 24/11 sẽ tập trung phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021.
Diễn đàn kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế sẽ tập trung phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2021, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu kép
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 đã được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả... nhằm đặt mục tiêu tăng GDP khoảng 6% so với năm 2020.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng: Mục tiêu này dựa trên những giả định phục hồi của kinh tế thế giới năm 2021. Đến thời điểm này, xu hướng tích cực rõ hơn khi đã có vaccine, cách thức nhìn nhận và phòng chống dịch bệnh cũng bình tĩnh, hiệu quả hơn. Cùng với những kết quả phòng chống dịch, mức 6% là khá khiêm tốn.
Trước đó, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại. Đơn cử, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 tăng 6,7%, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 7,1%... Thậm chí, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 8,1%, S&P dự báo Việt Nam tăng trưởng tới 11,2%.
Theo bà Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Dự báo Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Năm 2021, với nền tảng vĩ mô khá ổn định và được đánh giá cao trong kiểm soát và đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế.
Đây là một yếu tố quan trọng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển vốn sang các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, việc tham gia và thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP cũng là điều kiện để Việt Nam có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 và những năm tiếp theo.
Điểm tựa phục hồi
Đồng quan điểm ông Thành phân tích: Có ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam: Thứ nhất là sản xuất và xuất khẩu chính là động lực duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới với các đối tác truyền thống sẽ tiếp tục là nền tảng tốt cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2021. Thứ hai là đầu tư công nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh do điều hành quyết liệt hơn và khung khổ pháp lý rõ ràng hơn. Thứ ba là đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
“Các lĩnh vực có lợi thế so sánh, cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giầy, thuỷ sản, nông sản, bán lẻ, du lịch, giải trí, y tế công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ, bất động sản, hạ tầng, khởi nghiệp sáng tạo… tiếp tục là xu hướng đầu tư, kinh doanh năm 2021. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, gắn với chuyển đổi số, công nghệ sẽ chi phối mạnh mẽ.” ông Thành nhận định.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Xu hướng dịch chuyển chuỗi đầu tư, thương mại là cơ hội nhưng nếu không hành động nhanh, quyết liệt và đúng đắn thì các cơ hội này sẽ trôi qua. Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là những cơ hội để trỗi dậy trong thời gian tới. Giữa thời cơ và thách thức phải làm sao tận dụng thời cơ tốt nhất, nếu không thời cơ sẽ lại biến thành thách thức.
Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn và đào tạo doanh nghiệp:
Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ tái khởi nghiệp giúp cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước tái cấu trúc, tái định dạng mô hình kinh doanh hoặc đơn giản vươn lên một cấp độ hiệu quả hơn hiện tại. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và chi tiết cho từng ngành giúp cho khối tư nhân có thể tiếp cận các chương trình mua sắm công dễ dàng và hiệu quả hơn. Có như vậy mới khơi gợi được mọi nguồn lực và doanh nghiệp tư nhân mới thực sự trở thành động lực tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
Bốn yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
11:00, 09/11/2020
Kinh tế Việt Nam bắt đầu làm quen với tầm cấp mới
10:40, 26/10/2020
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ "V" từ mức đáy quý 2/2020
03:30, 23/10/2020
Standard Chartered dự báo khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam
01:30, 21/10/2020
Vì sao UOB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 lên 7,1%?
03:00, 10/10/2020