"Gỡ" điểm nghẽn thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

THY HẰNG 24/11/2020 04:00

Ba điểm nghẽn trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian vừa qua gồm: khung pháp lý; phát triển mô hình mới; đổi mới bộ máy quản lý nhà nước.

Theo ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Công ty cổ phần khu công nghiệp (KCN) Đình Vũ (Hải Phòng), rất khó thu hút doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu toàn cầu đầu tư vào KCN khi không có dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động.

 rất khó thu hút doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu toàn cầu đầu tư vào KCN khi không có dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động.

Nhiều điểm nghẽn về cơ chế khiến khó thu hút đầu tư vào KCN, KKT.

Nhiều "điểm nghẽn"

Thậm chí, ông Bruno Jaspaert cho biết, hiện có chuyện các dự án FDI có quy mô nhỏ, tầm vài chục triệu USD lại nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn các dự án có vốn lên tới hàng tỷ USD, ít nhất là trong làm thủ tục hành chính, xem xét việc cấp phép tăng vốn đầu tư… Điều này đi ngược xu thế chung, bởi ở các nước phát triển, các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu toàn cầu luôn là đối tượng được ưu tiên.

Cho rằng thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp hạ tầng có năng lực tài chính hạn chế, nên khó có thể đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như cấp nước, xử lý chất thải, giao thông, nhà ở… “Việc cấp phép dự án hạ tầng KCN hiện khá dễ dàng, không có quy định về năng lực của nhà đầu tư, nhất là đảm bảo về nguồn tài chính để thực hiện dự án”, ông Bruno nói.

Đồng quan điểm, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đến nay, các quy định của pháp luật có những điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, KCN.

Chẳng hạn, từ tháng 7/2019, UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận/huyện đã ngừng ủy quyền cho Hepza giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường. Hay trong lĩnh vực thương mại, theo quy định tại Thông tư số 19/2020/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 14/8/2020, thì Ban Quản lý không thuộc danh mục các tổ chức cấp C/O mẫu D…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thừa nhận, việc phát triển KCN, khu kinh tế (KKT) thời gian vừa qua cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Theo đó, có 3 nhóm vấn đề được chính được chỉ ra gồm: khung pháp lý cho phát triển KCN, KKT; phát triển mô hình mới; đổi mới bộ máy quản lý nhà nước đối với KCN, KKT.

Do đó, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị, UBND cấp tỉnh trong thời gian chờ điều chỉnh các văn bản về quản lý các KCN, KKT, cần phân cấp ngay một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền nhưng chưa phân cấp hoặc đang phân cấp một phần hoặc đang thực hiện theo cơ chế ủy quyền đối với các lĩnh vực về quản lý môi trường, xây dựng, lao động…

Năm định hướng phát triển

Chủ trương phát triển KCN, KKT cửa khẩu, KKT ven biển trong giai đoạn này đặt ra yêu cầu chất lượng phát triển ở mức cao hơn theo hướng phát triển bền vững và chiều sâu, chú trọng phát triển công nghệ cao

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định phát triển KCN, KKT theo hướng bền vững và chiều sâu, chú trọng phát triển công nghệ cao.

Định hướng phát triển KCN, KKT trong thời gian tới, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây. Hợp tác và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp đan xen và ngày một phức tạp hơn.

Thực tiễn đòi hỏi việc phát triển KCN, KKT cần được đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh thế giới và trong nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước yêu cầu mới đó, định hướng phát triển các KCN, KKT cần được thay đổi. Thứ nhất, tiếp tục xác định phát triển KCN, KKT là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo phát triển bền vững.

Thứ hai, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình KCN, KKT để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của KCN, KKT trong thu hút, hợp tác đầu tư, trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT làm nền tảng.

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT phải đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; đối tác hiệu quả giữa Nhà nước - địa phương - doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, an sinh xã hội; thực hiện các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thứ tư, thu hút đầu tư vào KCN, KKT có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò tiên phong và sáng tạo của công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường vai trò phản biện, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội; phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển KCN, KKT.

Có thể bạn quan tâm

  • Bắc Giang: Doanh thu của doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp tăng 1,2 %

    00:49, 05/11/2020

  • Khu công nghiệp - Đô thị quy mô lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu

    08:57, 19/10/2020

  • Hải Phòng: 8/12 khu công nghiệp hoạt động không phép đã có quyết định thành lập

    04:30, 05/10/2020

  • 8/12 khu công nghiệp hoạt động không phép (Hải Phòng): Trách nhiệm thuộc về ai?

    04:50, 30/09/2020

  • Hải Dương: Đề xuất thêm khu công nghiệp hơn 1.900 tỷ

    16:08, 07/09/2020

THY HẰNG