VBF 2020: JCCI đề xuất cơ chế bảo lãnh hợp đồng PPP gỡ “nút thắt” đầu tư vào hạ tầng

ANH DUY 22/12/2020 09:47

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề xuất Chính phủ bảo lãnh thực hiện hợp đồng chẳng hạn như bảo lãnh các khoản thanh toán của công ty nhà nước cho doanh nghiệp PPP.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2020 đang diễn ra sáng nay (22/12), ông Tetsu Funayama, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) nhận định, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng hơn nữa từ phát điện, sân bay, đường sá, bến cảng cho đến bệnh viện để có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 ở trong nước.

Diễn

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2020 diễn ra tại Hà Nội sáng 22/12.

Mặt khác, cũng theo đại diện JCCI, các nước đang phát triển đều có tình trạng chung giống nhau là vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chỉ lấy từ vốn đầu tư công của chính phủ và nguồn vốn tư nhân trong nước, cho nên vốn đầu tư tương đối hạn chế.

“Trong bối cảnh đó, không thể phủ nhận rằng phương thức đối tác công tư (PPP) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân bổ nguồn vốn tư nhân của nước ngoài cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và giúp giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia”, ông Tetsu Funayama nhấn mạnh. 

Thông thường các dự án để phát triển cơ sở hạ tầng sẽ sử dụng hình thức huy động vốn theo phương thức PPP này, và chỉ dòng tiền do hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng đó tạo ra mới được coi là nguồn tiền để hoàn trả vốn vay. “Cho nên khi huy động nguồn vốn phát triển khổng lồ thì tính ưu việt của chính hoạt động kinh doanh của dự án được đảm bảo như thế nào mới là chìa khóa quan trọng”, ông Tetsu Funayama chia sẻ.

Do đó, đại diện JCCI đề xuất để đảm bảo khả năng vay từ ngân hàng, cần phải cân bằng tỷ lệ rủi ro giữa chính phủ và doanh nghiệp, đảm bảo các bảo lãnh từ chính phủ trong trường hợp khẩn cấp, và phải vận hành theo các quy tắc có tính minh bạch cao.

Cụ thể, để đảm bảo việc thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản, Chính phủ cần bảo lãnh thực hiện hợp đồng chẳng hạn như bảo lãnh các khoản thanh toán của công ty nhà nước cho doanh nghiệp PPP. Xem xét lại bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ trong đó đã thiết lập phạm vi bảo lãnh là nhỏ hơn hoặc bằng 30% số tiền sau khi trừ các khoản phải chi từ thu nhập kinh doanh bằng tiền VNĐ.

“Ngay cả sau khi luật PPP mới có hiệu lực vào năm 2021, chúng tôi mong muốn được tiếp tục thảo luận với các bộ, ngành và các thành viên liên quan trong Quốc hội nhằm hướng tới đảm bảo các điều kiện nêu trên thông qua việc hoàn thiện quy định pháp luật, sớm áp dụng các điều kiện linh hoạt cho từng dự án trong quá trình vận hành”, ông Tetsu Funayama đề xuất.

Trong khi đó, liên quan vấn đề này, nhóm công tác cơ sở hạ tầng VBF đánh giá, các dự án quy mô lớn có xu hướng dễ phải gánh chịu rủi ro tại nước sở tại hơn các dự án nhỏ. Các dự án nhỏ hơn có thể có nhiều khả năng thích ứng hơn với những thay đổi. Các dự án quy mô lớn cần phải được Chính phủ hỗ trợ khi cần thiết để dự án có thể được ngân hàng chấp nhận cho vay vốn (bankable).

Trong khi đó, hiện tại, cả Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định 63 về PPP đều quy định rằng Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định bảo đảm nghĩa vụ của các cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền hoặc các doanh nghiệp Nhà Nước đối với các dự án trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật PPP (đều có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2020) không còn quy định các điều khoản như vậy.

Việc thiếu một cơ sở cho các Bảo lãnh và Cam kết của Chính phủ (GGU) trong Luật Đầu tư năm 2020 và Luật PPP có vẻ như thể hiện một thay đổi trong chính sách của Chính phủ đối với việc cấp GGU cho các dự án. Không có sự phân biệt giữa một dự án lớn và một dự án nhỏ.

Do đó, nhóm đề xuất cơ chế chia sẻ thiếu hụt doanh thu được quy định tại Điều 82 của Luật PPP có thể giúp dự án dự tính được về doanh thu, nhưng quy định này chỉ liên quan đến các khoản thiếu hụt không phải do việc bên mua không thanh toán. Chính phủ nên giải thích rõ nếu quy định này nhằm bảo đảm 75% nghĩa vụ thanh toán của một bên mua.

Có thể bạn quan tâm

  • VBF 2020: Tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ứng biến với suy giảm kinh tế

    09:11, 22/12/2020

  • [VBF cuối kỳ 2019]: Cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa thực chất

    13:15, 10/01/2020

  • [VBF cuối kỳ 2019] Cam kết từ Chính phủ cho phát triển nhanh và bền vững

    12:28, 10/01/2020

  • [VBF cuối kỳ 2019]: Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam

    12:26, 10/01/2020

ANH DUY