VBF 2020: Nhà đầu tư Ấn Độ kiến nghị làm mới khung pháp lý về điện khí LNG
Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam kiến nghị, khung pháp lý về lĩnh vực LNG cần được làm mới để hỗ trợ các cơ hội đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong các kiến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2020, có nhiều Hiệp hội doanh nghiệp đưa ra những đề xuất liên quan vấn đề năng lượng, đặc biệt là điện khí.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (InCham) nhu cầu điện ở Việt Nam đang tăng khoảng 10%/năm, tạo áp lực lớn lên ngành điện trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định cho phát triển kinh tế và đảm bảo cân đối cung cầu trong chuỗi giá trị.
Hiện tại, hỗn hợp năng lượng của Việt Nam chủ yếu dựa vào các nguồn truyền thống như thủy điện, nhiệt điện đang trên đà bão hòa và các nguồn thông thường như than đã bị thế giới loại bỏ do tác động nguy hại đến môi trường. Việt Nam dự đoán sẽ có hỗn hợp năng lượng hợp lý với các nguồn điện sạch như năng lượng tái tạo và thị trường dường như đang cân nhắc đưa khí thiên nhiên hóa lỏng tham gia vào tổ hợp năng lượng bền vững như một giải pháp thay thế hiệu quả cho than. “Mặc dù khí hóa lỏng LNG không phải là loại năng lượng không phát thải carbon, nhưng nó vẫn tốt hơn các nguồn nhiệt điện”, đại diện InCham nhấn mạnh.
Trên thực tế, theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, nhiệt điện khí, bao gồm nhiệt điện khí thông thường, bên cạnh điện khí tự nhiên hoá lỏng được đặt mục tiêu đạt 44 tỷ kWh vào năm 2020; 76 tỷ kWh vào năm 2025 và 96 tỷ kWh vào năm 2030. Tổng công suất của các nhà máy nhiệt điện khí được đặt mục tiêu lần lượt đạt 9 triệu kW vào năm 2020, 15 triệu kW vào năm 2025 và 19 triệu kW vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VII Điều chỉnh nêu rõ mục tiêu phát triển hệ thống kho cảng khí hóa lỏng LNG tại Sơn Mỹ, Bình Thuận nhằm mục đích cung cấp thêm cho các cơ sở khí với các thiết bị đầu cuối phù hợp cho các trung tâm điện lực như Phú Mỹ và Nhơn Trạch, đây là những trung tâm đi đầu trong việc sản xuất điện khí hoá lỏng LNG.
Dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG đầu tư theo hình thức PPP có tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng (khoảng 100.000.000 USD) thuộc diện ưu đãi đầu tư. Nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư khác nhau.
Trường hợp dự án nhà máy điện LNG được đầu tư theo hình thức IPP thì IPP chỉ được hưởng ưu đãi đầu tư như trên nếu dự án đó có tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng Việt Nam (khoảng 217.000.000 USD) phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Theo InCham đánh giá, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực điện LNG tại Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức bao gồm chi phí đầu tư LNG cao, khung pháp lý đang phát triển về điện khí hóa lỏng (LNG-to-power) ở Việt Nam có thể mang lại những bất ổn.
Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp nhà nước đôi khi là một công việc khó khăn do cách thức hoạt động của các doanh nghiệp này và nguồn thông tin hạn chế để các nhà đầu tư thực hiện thẩm định doanh nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam không có đủ nguồn khí trong nước và phải nhập khẩu nhiên liệu để vận hành các nhà máy điện LNG, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí.
Do đó, InCham kiến nghị, khung pháp lý tại Việt Nam về lĩnh vực LNG cần được làm mới để hỗ trợ các cơ hội đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, Việt Nam cần duy trì sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế và an ninh năng lượng để Việt Nam không phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong tương lai, đồng thời với vấn đề độc lập kinh tế cho đất nước, Việt Nam nên xây dựng nguồn dự trữ LNG dồi dào và tránh dựa trên mô hình phát điện phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu nhập khẩu.
“Các chính sách tốt hơn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập các cơ sở lưu trữ LNG tại Việt Nam và quốc gia này sẽ được hưởng lợi khi có nguồn nhiên liệu dồi dào để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai”, đại diện InCham nhấn mạnh.
Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng đề xuất, để sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), việc hoàn thiện hạ tầng như kho tiếp nhận và thiết bị chứa LNG nhập khẩu, đường ống dẫn khí đến nơi sử dụng… là không thể thiếu.
“JCCI kiến nghị Chính phủ nhanh chóng xúc tiến hoàn thiện hạ tầng này dựa trên Quy hoạch Tổng thể ngành công nghiệp khí đã ban hành năm 2017”, đại diện JCCI kiến nghị.
Về vấn đề này, Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng VBF cho rằng, cần xây dựng môi trường pháp lý và thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. Nhờ đó giảm bớt áp lực về công suất điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chia sẻ trách nhiệm này với nhiều đối tượng sử dụng điện, các đơn vị sản xuất điện trong mô hình sản xuất phân tán.
Đồng thời, giảm chi phí hệ thống điện so với kế hoạch năng lượng tập trung vào than bằng cách hạn chế tính dễ bị tổn thương đối với thị trường than biến động, tránh các khoản nợ tài chính của tài sản bị mắc kẹt, giảm chi phí liên quan đến sức khỏe cộng đồng và tác động môi trường.
Có thể bạn quan tâm
VBF 2020: JCCI đề xuất cơ chế bảo lãnh hợp đồng PPP gỡ “nút thắt” đầu tư vào hạ tầng
09:47, 22/12/2020
VBF 2020: Tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ứng biến với suy giảm kinh tế
09:11, 22/12/2020