VBF 2020: KoCham đề xuất Việt Nam cân nhắc xây dựng nhà máy điện hạt nhân
KoCham đánh giá hiện nay là thời điểm vô cùng thích hợp để Việt Nam cân nhắc phát triển điện hạt nhân, vốn đã bị ngưng lại trước đây trong quy hoạch trung - dài hạn.
Góp ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2020, ông Kim HanYong, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, để hỗ trợ tăng trưởng bền vững, nguồn cung cấp điện ổn định là vấn đề quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần xem xét.
“Tôi được biết Bộ Công Thương Việt Nam hiện đang chuẩn bị xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia (Quy hoạch Điện 8) (2021-2030), là quy hoạch cung cấp điện trung và dài hạn. Việc mở rộng các nguồn năng lượng mới và tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời sẽ là ưu tiên hàng đầu mà chính phủ Việt Nam theo đuổi, và chúng ta đều nhất trí với nghị trình này”, ông Kim HanYong nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch KoCham, các nhà máy điện chịu tải chính trong lưới điện với năng lực sản xuất điện ổn định không bị gián đoạn đóng vai trò thiết yếu đối với Quy hoạch này.
“Để hướng đến mục tiêu này, hiện nay là thời điểm vô cùng thích hợp để Việt Nam cân nhắc phát triển điện hạt nhân, vốn đã bị ngưng lại trước đây trong quy hoạch trung - dài hạn”, ông Kim HanYong đề xuất.
Đồng thời tin tưởng có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam để cung cấp điện ổn định trong tương lai vì Hàn Quốc đã có rất nhiều kinh nghiệm và bí quyết trong hoạt động sản xuất của nhà máy điện hạt nhân.
Cùng kiến nghị về vấn đề này, đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (InCham) nhấn mạnh, Việt Nam dự kiến sẽ không xem xét lại năng lượng hạt nhân theo Tổng sơ đồ điện 8, song, từ tầm nhìn tương lai, InCham cho rằng Việt Nam cần nâng cao mối quan tâm về năng lượng trong khu vực và xem xét chặt chẽ về hiệu quả sử dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích dân dụng bằng cách tạo ra năng lượng xanh với chi phí cực kỳ thấp mà không phương án phát điện nào có thể cung cấp được. Điện hạt nhân cũng có thể được coi là một động thái chiến lược của quốc gia nhằm duy trì an ninh đầu tư với sức mạnh sản xuất điện trong khu vực.
Phản hồi ý kiến của phía KoCham, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết: "Bộ Công thương đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Theo đó, sau năm 2035, chúng ta sẽ xem xét đến vấn đề điện hạt nhân".
Được biết, tại dự thảo Báo cáo Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã đưa ra phương án xem xét phát triển nhà máy điện hạt nhân sau năm 2030.
Đồng thuận với phương án tái khởi động điện hạt nhân sau năm 2030, nhiều chuyên gia cho rằng, các nguồn năng lượng truyền thống hiện đã cạn kiệt, Việt Nam đang phải nhập khẩu than, sắp tới là nhập khí hóa lỏng. “Nhiệt điện phát sinh nhiều vấn đề về môi trường trong khi thủy điện đã hết nguồn công suất vừa và lớn. Bên cạnh đó, điện tái tạo dù giàu có nhưng hiệu quả thấp và không ổn định. Do đó mà phụ tải nền không thể trông cậy vào năng lượng tái tạo”, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân từng nhấn mạnh.
Cụ thể, hiện nay tổng công suất điện mặt trời, điện gió Việt Nam có khoảng 6.000 MW, tuy nhiên hệ số sử dụng công suất thấp, có tính không ổn định, sản lượng điện sản xuất ra từ các nguồn này ít hơn khoảng 4 lần so với các nguồn điện ổn định như thuỷ điện, nhiệt điện than và điện hạt nhân.
Bởi vậy, việc đưa vào hệ thống điện các nguồn điện ổn định nói trên được đánh giá là sẽ góp phần làm tốt việc cung cấp điện năng, đảm bảo phát triển kinh tế, và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, sau sự cố Fukushima, một số nước đã điều chỉnh giảm điện hạt nhân, Việt Nam cũng có quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW) vào tháng 11/2016. Nhưng nhìn chung, điện hạt nhân vẫn liên tục tăng, chiếm trên 10% tổng sản xuất điện toàn cầu.
Hiện nay trên thế giới có 442 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành, tổng công suất lắp đặt gần 392.000 MWe, chiếm khoảng 11% sản lượng điện của cả thế giới, mặc dù điện hạt nhân chỉ có ở hơn 30 quốc gia. Bên cạnh đó, có 53 lò hạt nhân đang được xây dựng, nhiều lò đã lên kế hoạch và nhiều nước bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân bao gồm cả các nước đang phát triển.
Có thể bạn quan tâm
VBF 2020: Nhà đầu tư Ấn Độ kiến nghị làm mới khung pháp lý về điện khí LNG
10:23, 22/12/2020
VBF 2020: JCCI đề xuất cơ chế bảo lãnh hợp đồng PPP gỡ “nút thắt” đầu tư vào hạ tầng
09:47, 22/12/2020
VBF 2020: Tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ứng biến với suy giảm kinh tế
09:11, 22/12/2020