Vốn FDI chảy vào chế biến chế tạo: Nguy hơn cơ
Trong nhiều năm qua, vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển của nền kinh tế. Nhưng nếu soi dòng vốn FDI ấy dưới góc nhìn của doanh nghiệp nội, thì nguy còn hơn cơ.
Thành tích một quá trình
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số dự án lớn trong 9 tháng năm 2020 là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ (giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cấp ngày 18/4/2020); Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 21/1/2020)…
Đây có thể xem là thành tích của Việt Nam trong thu hút vốn FDI. Nhất là việc dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ở đang cho thấy môi trường sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đã có sự cải thiện. Hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập lớn có giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD cho thấy tốc độ hội nhập của nhóm doanh nghiệp ngành chế biến – chế tạo là khá nhanh chóng.
Dòng vốn FDI cũng tạo ra năng suất và thu nhập cao, bởi đây mới là yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước từ nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao.
Việc vốn FDI đẩy mạnh vào công nghệ chế biến chế tạo cũng giúp Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong chọn lựa các dòng vốn FDI. Hiện nay Việt Nam đã qua thời kỳ kêu gọi FDI tràn lan để đẩy nhanh phát triển kinh tế, thay vào đó là những dòng vốn FDI chất lượng cao, phát triển bền vững.
Thêm vào đó, dòng vốn FDI cũng góp phần đẩy nhanh phát triển của ngành chế biến chế tạo. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, với đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo như hiện nay, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ có thể gia nhập nhóm các nước công nghiệp mới nổi theo tiêu chí phân loại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).
Cẩn trọng với vốn FDI
Tuy nhiên, dòng vốn FDI đẩy quá nhiều vào chế biến, chế tạo cũng tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp chế biến chế tạo trong nước.
Thực tế hiện nay, doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong nước thua kém rất nhiều so với các doanh nghiệp FDI. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong các chuỗi cung ứng, khi doanh nghiệp nội chỉ cung ứng những tư liệu sản xuất gián tiếp, không có những dịch vụ có giá trị gia tăng lớn.
Thống kê năm 2019, các doanh nghiệp nội lép vế hoàn toàn với các doanh nghiệp chế biến chế tạo có vốn FDI. Ngành cơ khí mới đáp ứng 32,5% nhu cầu trong nước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 45-50% đề ra. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sơ chế là chủ yếu; công nghiệp đóng tàu gặp nhiều khó khăn; ngành thép có sức cạnh tranh thấp, hoạt động kém hiệu quả...
Kết quả này là cả một quá trình chính sách đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ nhiều năm nay, nhưng lại thiếu những biện pháp hiệu quả để thúc đẩy những doanh nghiệp trong nước đầu tư vào ngành này.
Năm 2019, khu vực FDI đang chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% giá trị xuất khẩu và 20% GDP. Khu vực này tăng trưởng tới 9,4%, cao hơn nhiều so với 6,6% của khu vực tư nhân trong nước và 4,4% của doanh nghiệp nhà nước trong thập kỷ qua.
Song song với sự lép vế của doanh nghiệp chế tạo sản xuất trong nước là những nguy cơ về đội lốt, trá hình trong xuất nhập khẩu, điển hình như những vụ điều tra, áp thuế của Mỹ đối với các sản phẩm thép Việt do thép Trung Quốc đội lốt.
Ngoài ra, câu chuyện chuyển giá, lách thuế, né thuế của các doanh nghiệp FDI vẫn diễn biến phức tạp và pháp lý để quản lý, kiểm soát thì vẫn chưa hoàn thiện.
Có thể bạn quan tâm