Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ II): Khởi động quá trình phục hồi thông qua chuyển hướng chính sách tiền tệ

THY HẰNG 23/12/2020 11:00

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, chính sách tiền tệ chuyển hướng đã giúp Việt Nam góp phần tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế thực.

Báo cáo vừa được WB công bố cho thấy, Việt Nam đã có nhiều chính sách điều hành linh hoạt giúp Việt Nam đạt thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng COVID-19.

WB đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam đã được nới lỏng hơn khi phải đối mặt với khủng hoảng.

WB đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam đã được nới lỏng hơn khi phải đối mặt với khủng hoảng.

Các biện pháp hỗ trợ tài chính đi vào khu vực kinh tế thực

Cụ thể, WB đánh giá, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã được nới lỏng hơn khi phải đối mặt với khủng hoảng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) áp dụng chính sách tiền tệ theo mục tiêu ổn định giá trị đồng nội tệ, như được phản ánh bằng tỷ lệ lạm phát. Lãi suất trong nước được duy trì ổn định, còn tăng trưởng tín dụng được cơ quan tiền tệ thường xuyên rà soát và điều chỉnh.

“Chính sách tiền tệ thận trọng phần nào được nới lỏng vào thời điểm bắt đầu khủng hoảng COVID-19, khi các cấp có thẩm quyền quyết định tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế thực”, Báo cáo của WB nêu rõ.

WB phân tích, trong kế hoạch hỗ trợ tổng thể, NHNN giảm lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản vào tháng 3, giảm thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 8, và sau đó giảm thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 1/10. Ngoài ra, NHNN còn cho phép các ngân hàng linh hoạt về yêu cầu dự phòng và giãn nợ cho khách hàng để giúp các ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng chống chịu khủng hoảng.

Cũng theo WB đánh giá, quá trình chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn được gặp thuận lợi nhờ kết quả tốt về lạm phát. Theo đó, rủi ro chính của chính sách ứng phó với biến động chu kỳ là lạm phát tăng lên dẫn đến áp lực mất giá đồng tiền. Lạm phát toàn phần chỉ ở mức 2,5% vào tháng 10/2020 và vẫn ổn định kể từ tháng 6, do sức cầu trong nước nhìn chung đã chững lại và giá dầu thô rớt xuống mức thấp kỷ lục trên thị trường quốc tế, khiến cho giá xăng dầu trong nước cũng giảm.

Trong khi đó, giá lương thực thực phẩm sau khi tăng mạnh trong quý đầu năm bắt đầu giảm dần từ quý hai của năm khi những bất định xoay quanh nguồn cung lương thực thực phẩm trong giai đoạn khủng hoảng dịu đi và tốc độ tăng giá gạo quốc tế chững lại, trong khi nguồn cung cho các thị trường vẫn dồi dào.

Trên thực tế, từ năm 2016, NHNN đã vận hành cơ chế tỷ giá linh hoạt và công bố tỷ giá hàng ngày. Giá trị của đồng nội tệ được quản lý dựa trên ba tiêu chí sau, thứ nhất, lãi suất liên ngân hàng bình quân gia quyền; Thứ hai, biến động đồng tiền của các quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam; Thứ ba, các cân đối kinh tế vĩ mô.

Sau khi tăng giá 4,0% năm 2018, 4,7% năm 2019 và 1,9% trong năm tháng đầu năm 2020, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) cho thấy đồng nội tệ mất giá khoảng 5,5% từ tháng 5 đến tháng 11, chủ yếu do đồng đô-la Mỹ bị mất giá so với các đồng tiền lớn khác trong những tháng gần đây.

Diễn biến tỷ giá

Diễn biến tỷ giá là căn cứ để Ngân hàng Nhà nước vận hành cơ chế tỷ giá linh hoạt và công bố tỷ giá hàng ngày.

WB đánh giá, chính sách tiền tệ và các biện pháp hỗ trợ tài chính tạm thời cũng góp phần đem lại thành công. Một mặt, tăng trưởng tín dụng được duy trì ở mức cao gấp 3 đến 3,5 lần so với tăng trưởng GDP, qua đó tạo kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình để giúp họ phòng vệ với hệ quả của suy giảm kinh tế. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm từ mức trên 11 đến 12% (so cùng kỳ năm trước) trong thời kỳ trước khủng hoảng xuống còn 10,2% trong tháng 9 và 9,6% trong tháng 10. Tăng trưởng tín dụng giảm do giảm nhu cầu của doanh nghiệp và rủi ro cao hơn trong giai đoạn kinh tế suy thoái.

Một diễn biến tích cực khác là tiền gửi của khách hàng tiếp tục tăng lên trong năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 12,4% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 9, cho thấy lòng tin của khách hàng vào các tổ chức tài chính. Nhờ đó, thanh khoản được duy trì dồi dào trên thị trường tài chính trong nước.

Thanh khoản dồi dào, kết hợp với tăng trưởng tín dụng chững lại, có thể là lý do khiến cho trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mạnh đến thời điểm này và thị trường chứng khoán trong nước tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua vào giữa tháng 11, cho dù vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bị rút ròng khoảng 565 triệu US$ ra khỏi thị trường cổ phiếu trong 10 tháng đầu năm 2020.

Lo ngại doanh nghiệp “xác sống” sẽ sống nhân tạo

“Nhưng dù sao, nhiều học giả danh tiếng đã nói đến những hạn chế của việc sử dụng chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với COVID-19”, WB lưu ý.

Theo đó, WB phân tích, chính sách tiền tệ cực đoan có xu hướng làm hạn chế phạm vi tạo tín hiệu chính sách trong tương lai, làm giảm hiệu quả của công cụ lãi suất, một công cụ mạnh để gây ảnh hưởng đến sản lượng và việc làm trong điều kiện bình thường.

Thứ hai, những chính sách đó có thể làm trầm trọng thêm mức độ dễ bị tổn thương vốn đã đe dọa nền kinh tế thế giới từ trước đại dịch, không chỉ liên quan đến tăng dư nợ, phân bổ tín dụng tùy tiện và dư thừa thanh khoản trong khu vực doanh nghiệp (với quá nhiều công ty có vấn đề trên bảng cân đối tài sản của họ).

Những quan ngại đó dẫn đến ý thứ ba là mở rộng các chương trình tín dụng của nhà nước có thể đẩy thêm nợ vào các doanh nghiệp không có khả năng tạo giá trị từ nợ. Các doanh nghiệp “xác sống” lẽ ra đã phá sản sẽ được sống nhân tạo.

Đây là quan ngại ở hầu hết các quốc gia, nhưng đặc biệt cần quan tâm ở Việt Nam vì nợ đang tập trung ở một số ít các doanh nghiệp do mức độ tài chính toàn diện trong nước còn hạn chế. Chất lượng báo cáo cần được cải thiện để tránh làm những rủi ro đó trầm trọng thêm, bên cạnh tỷ lệ vốn hóa thấp ở một số ngân hàng (đến tháng 12/2020, có 78 trên 97 ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn phù hợp với các yêu cầu của Basel II theo báo cáo)”, báo cáo của WB nêu rõ.

Đặc biệt, theo WB, mặc dù hệ thống ngân hàng của Việt Nam nhìn chung vẫn lành mạnh, nhưng chất lượng vốn vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng. Những ngân hàng này đang có nguy cơ do quan hệ của họ với một số ngành kinh tế thực, như du lịch, hàng không, và có thể cả bất động sản. Tỷ lệ vốn vay có vấn đề (nợ xấu) trong danh mục của các ngân hàng tăng đến 2,01% trong tháng 8/2020 so với 1,63% trong tháng 12/2019.

Mặc dù số liệu về nợ xấu vẫn tương đối thấp (và được duy trì ở mức thấp giả tạo do NHNN tạm thời cho phép hoãn nợ với các khách hàng gặp khó khăn), nhưng tình trạng bất định và rủi ro nợ xấu tăng cao có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính về sau. Do nhu cầu giảm, ngày càng nhiều cá nhân và doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của họ.

(Kỳ III): Kết hợp biện pháp tài khoá mạnh tay

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ I): Lý giải khả năng chống chịu của nền kinh tế

    05:10, 22/12/2020

  • VBF 2020: Tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ứng biến với suy giảm kinh tế

    09:11, 22/12/2020

  • VNDIRECT dự báo nhóm ngành tăng trưởng trong năm 2021

    04:00, 18/12/2020

  • JCER dự báo Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 6% vào 2035 nhờ vào xuất khẩu

    04:00, 15/12/2020

THY HẰNG