Nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD năm 2021

THY HẰNG 24/12/2020 14:46

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế khi vẫn đạt tăng trưởng 2,65% trong đại dịch COVID-19.

Khẳng định tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD.

Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 chiều 24/12. Ảnh: Thy Hằng

Nhiều chỉ tiêu bứt tốc trong COVID-19

Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu bứt tốc trong điều kiện khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Cụ thể, trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.  

“Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp,… với các giải pháp cơ cấu lại đồng bộ trong toàn ngành, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt trên 2,65%, tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao trên hầu hết các lĩnh vực”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn, kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 05 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo.

Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2020, thành lập mới được 14 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.555 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 Liên hiệp HTX NN, 17.300 HTX NN; số HTX hoạt động hiệu quả 14.532 HTX; có 1.718 HTX NN ứng dụng CNC.

“Đặc biệt, trong năm 20202, thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp”, Tư lệnh ngành Nông nghiệp nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ba trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ….

Nhắc đến việc vừa thành lập tổ hợp liên hoàn sản xuất gà mới đây tại Bình Phước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2020, nhiều nhà máy chế biến đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Cụ thể, thành lập 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC); các địa phương công nhận 11 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; có 53 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, tăng 11 doanh nghiệp so với năm 2019.

Năm giải pháp trọng tâm 2021

Nhận định năm 2021 là năm đặc biệt quan trọng trong năm đầu tiên của kế hoạch 10 năm 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,7-3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8 - 3,1%. Trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7%, thủy sản tăng 3,8%, lâm nghiệp tăng 5,0%. Đồng thời, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD.

mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. Ảnh: Quốc Tuấn

Năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. Ảnh: Quốc Tuấn

Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, toàn ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền.

”Trong đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đồng thời, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả và an ninh lương thực quốc gia. Phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá, sản xuất vắc xin phòng dịch. Giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện việc lập 4 Quy hoạch ngành quốc gia và tham gia xây dựng các Quy hoạch có liên quan đến nhiệm vụ của Bộ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Quy hoạch, đảm bảo kịp thời đáp ứng công tác quản lý nhà nước của ngành.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, sớm hoàn thành sửa đổi Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, sạt lở.

Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.

Năm là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính quản lý ngành nông nghiệp và tổ chức sự nghiệp công lập từ trung ương tới địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch VCCI: sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL phải chuyển từ số lượng sang chất lượng

    16:58, 21/12/2020

  • “5 nhà” bắt tay làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

    03:00, 19/12/2020

  • Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hệ sinh thái từ... 5 nhà

    11:00, 18/12/2020

  • Năm đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

    04:50, 18/12/2020

  • Định hướng đào tạo nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp

    17:04, 17/12/2020

  • Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam

    16:58, 17/12/2020

THY HẰNG