Gỡ bỏ rào cản thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp
Chủ tịch VCCI thẳng thắn cho biết doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó, VCCI đề xuất tiếp tục rà soát, đổi mới các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt vấn đề: Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới? trở thành kho lương của thế giới?
"Bệ đỡ" nền kinh tế
Theo Chủ tịch VCCI, cần xác định đây là mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp. “Nền nông nghiệp là điểm khởi đầu của nền kinh tế Việt Nam, theo đó, nông nghiệp đã đi đầu của quá trình hội nhập, đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản hàng đầu thế giới, đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI, trong năm 2020, dù gặp khó khăn từ đại dịch COVID-19 và những thiệt hại từ thiên tai, nhưng nông nghiệp vẫn “bao dung” tạo việc làm cho hàng vạn người lao động. “Nền nông nghiệp vẫn tăng trưởng ấn tượng 2,7% đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nức. Lần đầu tiên tăng trưởng của nông nghiệp tương đương mức tăng trưởng của nền kinh tế. Trong khi thương mại, dịch vụ thể hiện sự “mong manh” trong đại dịch thì nông nghiệp cho thấy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nhắc câu chuyện ngay sau khi bổ nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm VCCI và bày tỏ niềm canh cánh là số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp quá ít, TS Vũ Tiến Lộc nhận định, 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gấp 3 năm. Đến nay, có hơn 13.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là những “cánh chim đầu đàn” của ngành nông nghiệp. Được biết mới đây, VCCI cũng đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp, là hạt nhân góp phần vào sự phát triển chung của ngành.
Gỡ bỏ rào cản thể chế
Mặc dù ghi nhận đóng góp trong công tác điều hành của ngành nông nghiệp, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn cho biết doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó, VCCI đề xuất tiếp tục rà soát, đổi mới các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
“Trong kiểm tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp có nhiều thủ tục rườm rà, việc phối hợp các cơ quan liên quan còn chưa tốt, các cục vụ vẫn còn tình trạng thanh kiểm tra riêng, lĩnh vực quản lý thuốc thú y còn nhiều bất câp”, TS Vũ Tiến Lộc thẳng thắn.
Do đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị, rà soát sửa đổi ban hành Luật tiêu chuẩn quy chuẩn, bởi sau 15 năm chúng ta hội nhập với nhiều thay đổi, đã đến lúc phải xem xét sửa đổi luật này cho phù hợp với giai đoạn mới, đồng thời có cơ chế xử lý phù hợp trong giai đoạn chờ sửa đổi Luật.
Vấn đề giải phóng mặt bằng, tích tụ đất đai, TS Vũ Tiến Lộc cho đây là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp, VCCI đề xuất sửa đổi Luật đất đai mở đường cho tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hoá tập trung.
“Chúng tôi rất vui mừng khi Chính phủ cho phép thí điểm mô hình địa phương thuê đất cho doanh nghiệp thuê lại để sản xuất, VCC đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TNMT thực hiện mô hình này”, TS Vũ Tiến Lộc nói. Đồng thời chia sẻ tầm nhìn trong những năm tới, ngành nông nghiệp phải chuyển đổi từ nền sản xuất với chủ thể chính là nông dân, sang nền nông nghiệp với lực lương nòng cốt là doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD năm 2021
14:46, 24/12/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
19:20, 22/12/2020
Chủ tịch VCCI: sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL phải chuyển từ số lượng sang chất lượng
16:58, 21/12/2020
CEO The Farm Story: Khởi nghiệp nông nghiệp thì đừng cứ thích lên là "về quê nuôi thêm cá và trồng thêm rau"
04:38, 21/12/2020