Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp
Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, bởi nông nghiệp số là vấn đề đặt ra với mỗi hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 3%, kim ngạch xuất nhập khẩu 542 tỷ USD, xuất siêu trên 20 tỷ USD, trong đó nông nghiệp đóng góp vào xuất siêu hơn 10 tỷ.
Điểm sáng nông nghiệp
“Năm 2020 chúng ta là 1 trong 5 nước có dòng thương mại mạnh nhất thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, nhờ thành công trong chống dịch, thương hiệu Việt Nam đã tăng 30% với con số 319 tỷ USD. Vì thế thứ bậc của Việt Nam từ 42 đã lên vị trí 30.
Khẳng định một năm thành công và có nhiều điểm sáng của ngành nông nghiệp, Thủ tướng đánh giá: “Sự phát triển của nông nghiệp trong một năm khó khăn như năm 2020 đã một lần nữa cho thấy là bệ đỡ, là cứu cánh của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng dương năm 2020 của kinh tế Việt Nam”.
Cho biết kinh tế Việt Nam 2020 đã thích ứng tốt với đại dịch, thiên tai, Thủ tướng đánh giá cao việc trong bối cảnh đại dịch ngành nông nghiệp vẫn hoàn thành 4 chỉ tiêu được giao về mức tăng trưởng 2,65%, kim ngạch xuất khẩu hơn 41 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo.
Đồng thời, trong đại dịch nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước và trở thành điểm tựa lương thực cho nhiều quốc gia, soán ngôi xuất khẩu gạo của Thái Lan.
Trong một năm bão chồng bão, lũ chồng lũ, hạn mặn…Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, công tác điều hành “đúng và trúng”, quyết liệt kịp thời.
Thủ tướng cũng vui mừng cho biết nhiều nhà máy chế biến đã được khánh thành trong năm 2020, nhiều tập đoàn đã khởi công các dự án sản xuất chăn nuôi. Cụ thể, chỉ riêng trong năm 2020 đã có đến 17 dự án nhà máy chế biến được khởi công, đưa vào sử dụng. "Qua thực tế, các doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp đều rất thành công", Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn, còn nhiều tồn tại trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất quy mô lớn còn hạn chế, công tác dự báo cung cầu còn chưa sát ví dụ như dự báo cung cầu thịt lợn 6 tháng đầu năm. Đồng thời nhiều vấn đề thể chế cần được tháo gỡ.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp
Nhấn mạnh hãy biến nguy cơ thành thời cơ trong năm 2021, Thủ tướng cho rằng chúng ta có kinh nghiệm đối phó với thiên tai, lại có thêm hàng loạt hiệp định thương mại mới được ký kết, đó chính là trong nguy có cơ. Do đó, cần tiếp tục tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về mặt thể chế để vươn lên, trước hết là Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, thực hiện phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng mong muốn kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 tiếp tục đạt con số tăng trưởng cao hơn năm 2020, tới năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để nâng cao chất lượng rừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi ngành nông nghiệp và các địa phương tích tực triển khai mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh ở nông thôn, đô thị,... xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
“Ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, bởi nông nghiệp số là vấn đề đặt ra với mỗi hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NNPTNT về bố trí vốn trung, dài hạn cho ngành nông nghiệp 2021 - 2025 qua Bộ Nông nghiệp và PTNT đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước như đã được định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn kịp thời cho chương trình xây dựng nông thôn mới để triển khai một cách chủ động.
Bàn câu chuyện "Tết Tân Sửu này, cả nước ăn gì, giá cả như thế nào?", Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân với giá cả hợp lý.
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý người dân không tự ý chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi cây rừng vào dịp Tết. Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về thành phố bán sẽ bị xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ bỏ rào cản thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp
16:38, 24/12/2020
Nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD năm 2021
14:46, 24/12/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp
19:20, 22/12/2020