Kinh tế Việt Nam 5 năm 2016-2020: Tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu

ANH DUY 28/12/2020 09:41

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh, tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ và địa phương về tình hình thực hiện kế  hoạch phát triển kinh tế  -  xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt và xung đột thương mại và rủi ro trên  thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoảng 1929 - 1933.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương chính thức khai mạc với quy mô toàn quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương chính thức khai mạc với quy mô toàn quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực

Ở trong nước, sau hơn 30  năm đổi mới, thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, bão lũ, sạt lở đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện mục tiêu phát  triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020. 

Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội về phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 và hằng năm, Chính phủ đã chủ động ban hành các nghị quyết, chương  trình hành động cụ thể.

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Chính phủ quyết tâm thực hiện "mục tiêu  kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa  tập trung phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm đời sống nhân dân.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn. Đồng thời, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng quốc gia.

“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đặc biệt nhắc tới một số kết quả như kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, được quốc tế đánh giá cao. “Thành công này  thể hiện sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn  dân, toàn quân ta; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng  giai đoạn 2016 - 2019 bình quân 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch  bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%, đây là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.

Đặc biệt theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng  hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%).

“Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, ngày càng dựa vào khoa học, công nghệ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định”, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt nhiều kết quả; cơ cấu giữa các ngành và nội ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ giá, thị trường  ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.

Kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường. Thu ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt 96% dự toán. Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011 - 2015 là 68,7%); tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 - 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 - 63%.

Bội chi ngân sách Nhà nước và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn  trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch  xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020  ước đạt 19,1 tỷ USD).

đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trongp/năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020”

Kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020.

Đặc biệt, đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Đã hình thành hệ thống pháp luật khá đầy đủ, toàn diện.

Phó Thủ tướng cũng nhắc đến những thành quả trong phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu có những chuyển biến rõ nét...

Đổi mới tư duy và hành động quyết liệt

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế.

“Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực chính thúc đẩy năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở một số lĩnh vực hiệu quả chưa cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, khoảng cách  phát triển giữa các vùng chậm được thu hẹp. Việc thực hiện gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19 chưa đạt yêu cầu đề ra. Cải cách  hành chính một số lĩnh vực còn bất cập. Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến  phức tạp. Tham nhũng, lãng phí ở một số nơi còn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. 

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, năm 2021 có nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm  2021 – 2030.

Dự báo tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động, Phó Thủ tướng cho biết, chỉ tiêu cụ thể đặt ra cho năm 2021 với 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: tổng sản  phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng  4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng  khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào  tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng  25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần  trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

“Nhiệm vụ của năm 2021 và thời gian tới là rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu…”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Đồng thời nhấn mạnh cần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực  hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát  triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. 

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới ở Đông Nam Á

    08:40, 28/12/2020

  • Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ IV): WB đưa giải pháp "sống chung với bất định"

    06:30, 26/12/2020

  • Kinh tế Việt Nam năm COVID thứ nhất (Kỳ III): Kết hợp biện pháp tài khoá “mạnh tay”

    05:00, 24/12/2020

  • Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ II): Khởi động quá trình phục hồi thông qua chuyển hướng chính sách tiền tệ

    11:00, 23/12/2020

  • Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ I): Lý giải khả năng chống chịu của nền kinh tế

    05:10, 22/12/2020

  • VBF 2020: Tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ứng biến với suy giảm kinh tế

    09:11, 22/12/2020

ANH DUY