Tìm động lực tăng trưởng cho xuất khẩu tôm năm 2021
Năm 2021 dự báo xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng 15% so với năm 2020, cán đích khoảng 4,4 tỷ USD do có nhiều điều kiện thuận lợi.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam.
Cụ thể: Nhu cầu thế giới vẫn ổn định trong khi các nước xuất khẩu khác chưa kịp phục hồi. Trung Quốc là nguồn cung tôm lớn nhất châu Á, tuy nhiên vẫn đang thiếu hụt nguồn tôm cho chế biến và tiêu dùng.
So với các nước đối thủ, Việt Nam có lợi thế hơn do kiểm soát tốt hơn dịch bệnh COVID-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam. Trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan….đều phải chịu những ảnh hưởng nặng nền từ dịch bệnh COVID-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ…
Cùng với đó, thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ đối với tôm đang ở mức thấp; lợi thế thuế quan cho xuất xứ thuần Việt Nam của sản phẩm tôm nuôi trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới...
Trong bối cảnh hiện tại, VASEP đưa ra dự báo, xuất khẩu tôm năm nay tăng khoảng 15% so với năm 2020, vượt mốc 4 tỷ USD. Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra con số cụ thể hơn, dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ đạt khoảng 4,4 tỷ USD.
Cục này cũng cho biết, ở góc độ thuận lợi thì cũng có những khó khăn riêng tại một số thị trường như tại Nhật Bản, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn. Dù vậy, hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm.
Với thị trường Mỹ, xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ. Tương tự với EU, xuất khẩu tôm Việt sẽ có nhiều cơ hội tăng mạnh thị phần do có lợi thế từ Hiệp định EVFTA.
Với thị trường Trung Quốc, nước này siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.
Nhìn lại xuất khẩu tôm năm 2020, các tháng đầu năm việc triển khai sản xuất tôm khó khăn do dịch COVID-19 kèm theo tình hình xâm nhập mặn tại các vùng nuôi chủ lực. Đến các tháng cuối năm 2020, tình hình sản xuất tôm nước lợ đã có sự phục hồi khi tình hình dịch bệnh được khống chế, việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục, dịch bệnh trên tôm được kiểm soát giúp có lượng tôm tăng trưởng khá.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, sản lượng tôm sú ước đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%, tôm chân trắng ước đạt 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Trong năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng cao và ổn định ở thị trường Mỹ và các thị trường nhỏ hơn như Anh, Canada, Australia. Xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tăng trưởng nhẹ. Đặc biệt, thị trường Mỹ mặc dù dịch vụ COVID-19 phức tạp, nhưng nhu cầu tiêu thụ tôm tại phân khúc bán lẻ vẫn tăng, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu tôm dự kiến tăng 12,4% trong năm 2020
03:00, 25/12/2020
Xuất khẩu tôm Việt khởi sắc ở thị trường Mỹ và EU
04:00, 26/11/2020
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU kỳ vọng tăng trưởng nhờ EVFTA
04:30, 09/09/2020
Ảnh hưởng COVID-19, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn tăng trưởng
01:54, 29/08/2020
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm
11:00, 15/05/2020