Triển vọng ngành sữa 2021: Hợp nhất ngành tiến triển nhanh
Mặc dù sữa được coi là mặt hàng thiết yếu, nhưng xu hướng tiêu thụ có thể theo “mô hình chữ K”.
Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam ước tính đạt 135 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 (+8,3% so với cùng kỳ), nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của các ngành hàng sữa chua và sữa uống tăng. Các ngành hàng tăng trưởng cao hơn bao gồm sữa uống (+10%), sữa chua (+12%), phô mai (+11%), bơ (+10%) và các sản phẩm từ sữa khác (+8%) trong khi sữa bột chỉ tăng 4% về giá trị, theo ước tính của Euromonitor.
Trong báo cáo ngành sữa mới nhất, nhóm phân tích SSI cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động đến nhu cầu sữa toàn cầu, khiến giá sữa nguyên liệu ở mức thấp trong năm 2020, đặc biệt là giá chất beo khan Anhydrous (-23% so với cùng kỳ). Ngoài ra, giá dầu thấp giúp giảm chi phí đóng gói và vận chuyển. Các yếu tố này hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa.
Công ty lớn tiếp tục lấy thêm thị phần: Từ kết quả doanh thu khả quan hơn toàn ngành vào năm 2020, VNM có thể đã giành thêm thị phần trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể hơn, doanh thu nội địa của +2,5% so với cùng kỳ trong 9T2020, trong khi tổng lượng tiêu thụ sữa giảm -6,1% trong cùng thời điểm.
Quán trình hợp nhất ngành vẫn tiếp diễn khi VNM mua lại Mộc Châu Milk (MCM), trong khi IDP được Blue Point và VietCapital mua lại. Sau khi mua lại, các công ty mục tiêu này đã đạt kết quả ấn tượng: MCM đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ròng là 68% so với cùng kỳ trong 9T2020, trong khi IDP đạt 151 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong 6T2020 (so với 113 tỷ đồng trong năm 2019). Cạnh tranh ngày càng gay gắt khi có thêm nhiều đối thủ gia nhập thị trường, như Tập đoàn Masan ra mắt sữa ngũ cốc ca cao lúa mạch với thương hiệu B’fast, cũng như Vitadairy có vẻ đang phát triển nhanh trong phân khúc khúc sữa bột với sản phẩm sữa non.
Kênh thương mại hiện đại (MT) tiếp tục vượt xa kênh thương mại truyền thống về tốc độ tăng trưởng. Kênh MT chỉ chiếm từ 10% - 15% doanh thu của công ty sữa tại thời điểm hiện tại. Nhận thức được xu hướng tăng trưởng của kênh này, các công ty F&B đã tích cực đẩy mạnh độ phủ sóng trên kênh MT, mà theo SSI kênh này sẽ có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn kênh truyền thống do cạnh tranh khốc liệt của nhiều nhãn hàng. Theo Kantar Worldpanel, sữa là một trong những sản phẩm được mua online tăng mạnh nhất trong thời kỳ dịch bệnh.
Về triển vọng tăng trưởng 2021, SSI cho rằng ngành sữa ít nhạy cảm hơn với dịch Covid-19. Mặc dù sữa được coi là mặt hàng thiết yếu, nhưng xu hướng tiêu thụ có thể theo “mô hình chữ K”. Theo đó, nhu cầu từ người tiêu dùng có thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã gây thiệt hại đến thu nhập của nhóm này, hoặc đối với những người tiêu dùng nhạy cảm về giá.
Các công ty như Vinamilk và Vinasoys đã chứng kiến hiện tượng cơ cấu sản phẩm bán ra dịch chuyển về phía các sản phẩm giá rẻ trong 9 tháng 2020. Ngược lại, sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra do nhóm thu nhập trung bình và cao ít bị ảnh hưởng hơn và họ vẫn sẽ có xu hướng gia tăng tiêu thụ các sản phẩm cao cấp.
Ước tính tăng trưởng doanh thu của ngành là một chữ số trong năm 2021: Theo kịch bản cơ sở của SSI giả định: Thứ nhất, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021; Thứ hai, sẽ không có thêm đợt giãn cách xã hội trên toàn quốc; và Thứ ba, tiêu thụ sữa nói chung sẽ phục hồi so với mức thấp trong năm 2020 là 7%.
Giá sữa nguyên liệu có khả năng tăng nhẹ trong năm 2021, cũng giống như xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa khác. Theo đó, giả định giá sữa nguyên liệu sẽ tăng 4% so với cùng kỳ trong năm 2021. Ngoài ra, giá dầu cao hơn trong năm 2021 có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí đóng gói và vận chuyển.
Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến ESG (môi trường, xã hội, quản trị) khi đầu tưu vào các công ty sữa. Do đó, các công ty sữa đã bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm, ví dụ như chuyển sang đồ uống có nguồn gốc thực vật.
Về phía người tiêu dùng, protein thay thế như các loại sữa hạt đã được chú ý nhiều hơn khi người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về môi trường, sức khỏe và chế độ ăn uống.
Có thể bạn quan tâm