Doanh nghiệp lo lắng, xin được phát điện công suất tối đa

THY HẰNG 16/01/2021 05:30

Bị cắt giảm công suất khi đường dây quá tải, gây thất thoát sản lượng điện của Nhà máy và không đúng theo quy định tại Hợp đồng PPA nhiều doanh nghiệp lo lắng đề xuất được phát công suất tối đa.

Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam mới đây đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương kiến nghị ưu tiên điều độ khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW, kết hợp với đầu tư biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. 

Trung Nam kiến nghị: “Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm xem xét, có ý kiến chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) ưu tiên phát lên lưới hết phần công suất của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam

Trung Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, chỉ đạo ưu tiên phát lên lưới hết phần công suất của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Không gây quá tải

Doanh nghiệp này cho biết, từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, Dự án điện mặt trời 450 MW thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế. Cụ thể, cắt giảm 361 MW trong tổng số 450 MW (tương đương 80,22%) tại thời điểm 12h40 ngày 27/12/2020.

Việc cắt giảm công suất này được Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cho là nguyên nhân giảm doanh thu phát điện của nhà máy, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn về tài chính trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt. 

Doanh nghiệp cũng cho hay, từ khi vận hành đến nay, Nhà máy đang phát điện lên lưới thông qua cấp điện áp 500 kV do doanh nghiệp này đầu tư mà không phát qua đường dây 220 kV và truyền tải phía đường dây 220 kV do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý. Do đó, việc tiếp nhận 450 MW từ Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam được nhà đầu tư cho là “không gây quá tải, không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện”.

Do đó, phía Trung Nam kiến nghị: “Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm xem xét, có ý kiến chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) ưu tiên phát lên lưới hết phần công suất của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (phần công suất đang truyền tải hộ các nhà máy khác) trong trường hợp buộc phải cắt giảm công suất của hệ thống điện, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, cân đối phương án tài chính”. 

Tương tự Trung Nam, dự án Điện gió Phú Lạc và Bình Thạnh tại Bình Thuận cũng bị cắt giảm công suất khi đường dây quá tải, trái với thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký giữa các dự án này với ngành điện trước đó. Chủ tịch Hiệp hội Điện gió của địa phương này cũng đã phải làm đơn "kêu cứu" tới Bộ Công Thương và EVN.

Hay mới đây, cuối tháng 12/2020, Nhà máy điện gió Bạc Liêu cũng được yêu cầu giảm công suất về 2 MW khi đang phát dao động từ 6-11 MW gây thất thoát sản lượng điện của Nhà máy và không đúng theo quy định tại Hợp đồng PPA.

Chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu cũng cho rằng, PPA giữa hai bên được ký trước khi Thông tư 30/2019/TT-BCT được ban hành và Nhà máy đã đi vào hoạt động được 8 năm, chưa ghi nhận sự cố gây gián đoạn đến lưới truyền tải cũng như gây quá tải lưới điện”, vì vậy, Công ty đề nghị Bộ Công thương và EVN cho nhà máy điện gió được hưởng ưu đãi phát điện tối đa công suất lên lưới.

Trước đó, thông tin từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn.

Cắt giảm 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, năm 2021, tiếp tục phải cắt giảm thêm khoảng 1,3 tỷ kWh, trong đó hơn 500 triệu kWh sẽ cắt giảm do vấn đề thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV từ miền Trung ra Bắc.

Ngày 27/12/2020, vào lúc 9h29, Nhà máy điện gió Bạc Liêu nhận được lệnh của điều độ viên thuộc A0 yêu cầu giảm công suất về 2 MW khi đang phát dao động từ 6-11 MW

Ngày 27/12/2020, vào lúc 9h29, Nhà máy điện gió Bạc Liêu nhận được lệnh của điều độ viên thuộc A0 yêu cầu giảm công suất về 2 MW khi đang phát dao động từ 6-11 MW.

Năm 2020, ngành điện đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu kWh điện mặt trời không khai thác được.

Theo phân tích của ông Ninh, số điện này do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền trung. Đến nửa cuối tháng 11/2020, do tăng trưởng nóng trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái, ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do thừa nguồn, tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh.

Theo ông, trong các giờ thấp điểm trưa không thể giảm các nguồn điện khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo. Nếu không tính theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa, tỷ trọng điện mặt trời lên tới 50-60% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, đặc biệt các ngày cuối tuần. 

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu năng lượng Đồng bằng sông Cửu Long: Gỡ rào cản thế nào?

    13:50, 15/01/2021

  • Lộ trình chuyển đổi thị trường năng lượng sang thị trường cạnh tranh

    03:00, 12/01/2021

  • Xuất khẩu năng lượng vùng ĐBSCL Kỳ I: Tiềm năng dồi dào

    14:39, 08/01/2021

  • Cắt giảm điện năng lượng tái tạo, nhà đầu tư muốn được công bằng

    05:00, 14/01/2021

THY HẰNG