Xuất khẩu dệt may, da giày "tăng tốc" ngay đầu năm
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, trong tháng 1/2021, 2 ngành công nghiệp quan trọng là dệt may và giày dép đã mang về kim ngạch xuất khẩu 4,4 tỷ USD.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương trong tháng 1/2021 ghi nhận, một số ngành xuất khẩu lớn như dêt may, da giày đã giữ được đà tăng xuất khẩu và duy trì được nhịp độ sản xuất ngay từ tháng đầu năm.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020.
So với cùng kỳ năm trước, sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4%; quần áo mặc thường ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 1/2021 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng giầy, dép da tháng 1 ước đạt 21,9 triệu đôi, tăng 3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại tháng 01 ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Trong tháng 1/2021, 2 ngành công nghiệp quan trọng này đã mang về kim ngạch xuất khẩu 4,4 tỷ USD.
Đến nay, trên thế giới tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1- 2 năm tới. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá, thời gian qua các doanh nghiệp dệt may đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, năm 2021 vẫn sẽ đầy khó khăn và bất định. Xu thế giảm giá, hàng hoá đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu các năng lực sản xuất mới. Dù vậy, năm 2021, ngành dệt may vẫn đặt kế hoạch bằng 2020, xuất khẩu cao nhất đạt 39 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được kí kết hồi giữa tháng 11/2020 sẽ được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu.
Tương tự như ngành dệt may, Bộ Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp ngành da giày cũng đã và đang chủ động nắm bắt và khai thác những lợi thế từ các FTA mang lại nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, do tác động của dịch Covid-19, những chuỗi cung ứng mới đang được xác lập lại. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề cập tới góc độ khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất sẽ giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Long An: Chủ động nguồn nguyên liệu vải, khép kín chuỗi giá trị dệt may
12:13, 01/02/2021
Vì sao ngành dệt may đặt mục tiêu cho 2021 tương đương năm 2019?
04:00, 27/01/2021
Hai kịch bản cho xuất khẩu dệt may năm 2021
04:00, 04/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ngành dệt may, da giày nỗ lực phấn đấu tăng trưởng nhanh
19:42, 23/12/2020
Dệt may, da giày tính đơn hàng từng tháng, từng tuần
02:31, 03/10/2020
Ngành da giày dồn sức cho những tháng cuối năm
04:00, 19/09/2020
Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Italia đầu tư vào dệt may, da giày
19:47, 30/06/2020