Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc
Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Tại Báo cáo kinh tế quý IV/2020 vừa được công bố, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, trong năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 77 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm trước.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,18 tỷ USD, tăng 11,57%. Hoa Kỳ là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam đạt 63,36 tỷ USD, tăng 34,76%. Việt Nam xuất siêu sang EU 20,3 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc 35,28 tỷ USD; từ ASEAN 6,9 tỷ USD.
Thặng dư thương mại ngày càng cao với Mỹ khiến quốc gia này chính thức quyết định điều tra Việt Nam về vấn đề thao túng tiền tệ trong cuộc họp ngày 16/12/2020. Vào ngày 30/12/2020, Bộ thương mại Hoa Kỳ đã kết luận mặt hàng lốp xe xuất khẩu từ Việt Nam không bán phá giá và sẽ không bị áp mức thuế 22,03%.
Chính phủ Mỹ hiện vẫn đang điều tra việc nhập khẩu và sử dụng gỗ của Việt Nam do cho rằng có thể xảy ra việc dùng gỗ phi pháp trong hàng xuất sang Mỹ gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp và lao động Mỹ. Các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ có thể sẽ được áp dụng dưới hình thức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu dựa trên trên mức độ thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Do các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Mỹ chủ yếu là máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (22,59 tỷ USD).
Trong khi Việt Nam lại nhập khẩu nhiều các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc (35,47 tỷ USD). Vì thế, tất cả những con số thống kê nêu trên về sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng (như linh kiện điện tử) nhiều khả năng chỉ chỉ thuần túy là tạm nhập tái xuất, hoặc chỉ thực hiện gia công lắp ráp để xuất khẩu chứ không phải do khu vực sản xuất trong nước mở rộng.
VEPR khuyến nghị, Chính phủ nên có các chính sách thắt chặt các quy định về nguồn gốc của các nguyên liệu đầu vào công nghiệp nhập khẩu. Cùng với đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khu vực trong nước như vải, dệt may giày dép đều giảm sút do nhu cầu xuất khẩu hoặc tiêu thụ co hẹp.
FDI chiếm ưu thế
Cũng theo đánh giá của VEPR, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI trên tổng KNXK tăng (chiếm tới 72%) trong khi của khu vực trong nước lại giảm cho thấy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang tận dụng các cơ hội từ các hiệp định FTA tốt hơn so với khu vực trong nước đồng thời cũng thích ứng tốt hơn trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
So với các năm trước có thể thấy Việt Nam chưa có nhiều tiến triển trong việc đa dạng hóa thị trường thương mại. Thương mại quốc tế vẫn chủ yếu thuộc về khu vực FDI. Giá trị gia tăng thấp do chủ yếu là gia công, lắp ráp hoặc phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Rủi ro tăng cao khi có thặng dư thương mại lớn với một thị trường lớn (Hoa Kỳ) mà Việt Nam chưa có FTA. Vào ngày 15/11/2020, hiệp định RCEP được kí kết bao gồm 15 thành viên với kì vọng trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới (quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30%GDP toàn cầu).
Theo VEPR, việc chỉ cần sử dụng một bộ quy tắc xuất xứ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hang hóa sang các nước thành viên. Ngành dệt may của Việt Nam cũng được hưởng lợi lớn từ bộ quy tắc xuất xứ của hiệp định này do nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc gia tăng cạnh tranh thương mại trong thị trường nội địa là điều không thể tránh khỏi khi hiệp định có hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm
VEPR: Việt Nam cần chính sách điều hành vĩ mô khác biệt
19:40, 11/02/2021
VEPR: Triển vọng kinh tế 2021 lạc quan nhất mức 5,8%
19:19, 11/02/2021
VEPR: Gói hỗ trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết
13:47, 23/10/2020