Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (kỳ II): Quản lý rủi ro khu vực tài chính
Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn còn phụ thuộc vào một số rủi ro theo hướng suy giảm. Trong đó đại dịch là yếu tố bất định chủ yếu.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), triển vọng kinh tế Việt nam trong trung hạn còn phụ thuộc vào một số rủi ro theo hướng suy giảm. Trong đó đại dịch COVID-19 là yếu tố bất định chủ yếu. Nếu việc phê duyệt và phân phối vắc-xin bị trễ đến năm 2021, tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu sẽ gặp rủi ro, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam.
Trong trường hợp đó, xuất khẩu cũng như sức cầu trong nước sẽ không quay lại mức dự kiến. Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022 với các cú sốc lớn xuất hiện (kịch bản xấu hơn). Lạm phát vẫn được kiềm chế nhưng cân đối tài khóa và các cân đối kinh tế đối ngoại của quốc gia sẽ không được cải thiện như theo kịch bản cơ sở từ năm 2021 trở đi.
Đặc biệt, WB đánh giá một số rủi ro trong nước đã xuất hiện do khủng hoảng hiện nay và do biện pháp ứng phó liên quan của Chính phủ. Những rủi ro đó sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu đại dịch kéo dài hơn dự kiến.
Cụ thế, trước hết là những rủi ro xã hội cần theo dõi. Tác động của COVID-19 đến thị trường lao động và đến các hộ gia đình vẫn kéo dài đến nay, với tác động khác nhau theo ngành nghề, giới tính và địa bàn. Tỷ lệ tham gia lao động chưa quay lại các mức thời kỳ trước COVID-19, thu nhập của hộ gia đình vẫn đang bị ảnh hưởng. Những tác động có đặc biệt liên quan đến nữ giới, là những người chịu thiệt thòi nhiều hơn do những điều chỉnh gần đây trên các thị trường lao động.
Bên cạnh đó, khoảng 2,5% tổng số hộ gia đình, tương đương 2,5 triệu người dân bị mất đi ít nhất một nửa thu nhập trong tháng 8 so với các tháng trước đó. Thu nhập hộ gia đình giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến các quyết định tiêu dùng và đầu tư, và phần nào đến quá trình hồi phục của nền kinh tế. Các cấp có thẩm quyền cần rà soát và cải thiện các chương trình an sinh xã hội của quốc gia nhằm đảm bảo những nạn nhân hiện nay và trong thời gian tới của các cú sốc kinh tế và thiên tai sẽ được hỗ trợ đầy đủ.
Thứ hai, những rủi ro trong khu vực tài chính cần theo dõi. WB khuyến nghị cơ quan tiền tệ cần cảnh giác với những rủi ro đang tăng lên liên quan đến nợ xấu, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự ổn định của khu vực ngân hàng, hiện vẫn còn những ngân hàng có tỷ lệ vốn hóa thấp.
Hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định nguy cơ tiềm năng ở từng ngân hàng và toàn bộ hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần thiết lập chiến lược rõ ràng nhằm chấm dứt các biện pháp hoãn nợ. Quá trình triển khai các biện pháp hoãn nợ có thể làm cho một phần nguy cơ dễ tổn thương của người vay và ngân hàng bị che khuất, vì vậy phải được theo dõi chặt chẽ.
Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch giải quyết nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu tiếp tục luẩn quẩn trong khu vực ngân hàng vì để như vậy có thể gây hạn chế cho vai trò của khu vực ngân hàng nhằm hỗ trợ tăng trưởng bao trùm. Bên cạnh đó, nhu cầu đặt ra là cần xác định cơ chế rõ ràng để xử lý các ngân hàng yếu kém và có vấn đề, đồng thời tiếp tục tái vốn hóa các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của Basel II.
Thứ ba, những rủi ro về bền vững tài khóa cần theo dõi. Dư địa tài khóa đang bị thu hẹp, do chi đầu tư tăng cao còn thu ngân sách đang giảm xuống. Nếu tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu diễn ra chậm hơn dự kiến, Chính phủ có thể cần phải cân đối giữa hỗ trợ nền kinh tế thông qua kích thích tổng cầu với nhu cầu đảm bảo bền vững tài khóa trong trung vài dài hạn.
Áp dụng chính sách tài khóa khắc khổ quá sớm sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ khôi phục kinh tế, vì vậy các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc các phương án về thời gian để đảm bảo các mục tiêu bền vững tài khóa/nợ.
Trên phương diện chính sách, trước mắt cần phải nâng cao hiệu suất chi tiêu và đảm bảo chi tiêu đúng mục đích và đối tượng, đồng thời cải thiện về quản lý nợ. Trong trung hạn, cải thiện về thu thuế có vai trò quan trọng để nâng cao dư địa tài khóa.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (Kỳ I): Cơ hội trước thách thức lớn
04:00, 11/02/2021
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021?
15:41, 20/01/2021
6 rủi ro của kinh tế Việt Nam năm 2021
14:00, 15/01/2021
Động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2021
15:29, 11/01/2021
Kinh tế Việt Nam năm COVID thứ nhất (Kỳ III): Kết hợp biện pháp tài khoá “mạnh tay”
05:00, 24/12/2020