VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Nhìn về tương lai
Bất chấp những thách thức “có một không hai” trong cuộc sống này, chúng ta cần nhìn về tương lai.
Chúng ta phải xem xét cách thức mà đất nước và con người Việt Nam đã đối mặt và ứng phó với cuộc khủng hoảng này…
Đại dịch Covid-19 năm 2020 đã phủ bóng đen lên tất cả chúng ta trong một thời gian dài sắp tới. Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta làm việc, sống và tương tác. Chúng ta phải chấp nhận thực tế về cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, dẫn đến những thách thức về kinh tế, tài chính và xã hội.
Cơ sở cho đà phục hồi năm 2021
Cách Việt Nam xử lý khủng hoảng đồng nghĩa với nhiều dự báo kinh tế cho rằng khi thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng, Việt Nam sẽ là hình ảnh đại diện từ những điều chúng ta đã làm xuyên suốt mùa dịch. Điều này còn được thể hiện qua những dự báo kinh tế khả quan cho năm tới.
Bước sang năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ được hưởng lợi từ sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, tăng trưởng thương mại ổn định và nhờ vào dòng vốn FDI. Trong khi đó, với bối cảnh tiêu dùng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát ở dưới mức bình quân 4% mà Quốc hội đề ra.
Các hiệp định thương mại đã kết thúc đàm phán, đã được ký hay đã có hiệu lực như UKVFTA, EVFTA hay RCEP sẽ tiếp tục là tiền đề vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực xuất khẩu, đẩy mạnh thặng dư thương mại. Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và khả năng đẩy lùi dịch bệnh, không khó để thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư sáng giá trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử-công nghệ.
Về bức tranh tỷ giá trong năm 2021, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Đáng chú ý, với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, NHNN có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như lộ trình phân phối vaccine cho Covid-19, đà hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình chuyển giao bầu cử Tổng thống Mỹ, …
Trong bối cảnh tỷ giá biến động khó lường, các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có yếu tố xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất, … để đảm bảo sự chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Tham gia các hiệp định tự do thương mại hay mở cửa đồng nghĩa với gia tăng cạnh tranh nhưng cạnh tranh với những người giỏi nhất chính là cơ hội để học hỏi. Điều đó buộc các công ty phải nhanh nhẹn, luôn điều chỉnh và phải đổi mới. Người Việt Nam rất mạnh mẽ, tôi lấy ví dụ đội ngũ của tôi tại HSBC, họ rất chăm chỉ và sáng tạo vô cùng. Nếu các công ty nắm bắt được những đặc điểm này, tự tin cạnh tranh và thường xuyên học hỏi, tôi không thấy có lý do gì khiến các doanh nghiệp Việt Nam không thể thành công.
Nắm bắt thời cơ và hành động
Cuộc khủng hoảng Covid-19 tiếp tục có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu mặc dù trong những ngày này chúng ta đã nghe nhiều tin vui. Thật vậy, tác động của dịch bệnh diễn ra vẫn khó dự đoán lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta có thể hình dung được sức ép lên tài chính công sẽ gia tăng do thu ngân sách giảm xuống trong khi chi ngân sách tăng lên do Chính phủ gia tăng gói kích cầu để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam là một ngôi sao sáng về tăng trưởng, cá nhân tôi nhìn thấy một số rủi ro cho Việt Nam nếu chúng ta không kịp thời hành động và nắm bắt thời cơ.
Thứ nhất, là vấn đề đã được nhắc tới trong những năm gần đây. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng được ghi nhận, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các công ty nhà nước. Tôi không cần nhắc lại nguy cơ cổ phần hóa tiến triển chậm rất có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.
Hiện tại, các công ty nhà nước vẫn chi phối tới một phần ba nền kinh tế. Việc cổ phần hóa các công ty nhà nước sẽ giúp xác định lại việc phân bổ vốn đầu tư, giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, theo World Bank, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Điều này tạo ra những thách thức đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo (Việt Nam xếp thứ 89 trong số 137 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng).
Thứ ba, liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), động lực phát triển của Việt Nam. Như trên đã nói, FDI tăng trưởng bền vững là một trong những điểm đáng tự hào, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta cải thiện được các thủ tục thuế quan và hành chính vốn đang là yếu tố cản trở sự phát triển của khu vực này.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới WB, các doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán thuế 6 lần thanh toán thuế một năm, tiêu tốn 384 giờ cho việc hoàn thành các mẫu biểu, chuẩn bị và trả thuế, và mức thuế phải trả chiếm tới 37,6% lợi nhuận.
Thứ tư, tôi muốn nói về tăng trưởng bền vững. Điều xảy ra với Việt Nam cũng tương tự như con đường nhiều nước đang phát triển đi qua đó là tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Với nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt, tổng mức tiêu thụ điện đang gia tăng nhanh hơn mức tăng sản lượng điện. Với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhiên liệu hóa thạch, ngành năng lượng phát thải gần hai phần ba tổng phát thải khí nhà kính của cả nước.
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới – với mức tăng khoảng 5% mỗi năm. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Điều tích cực là Chính phủ đã nhận thức tầm quan trọng của vấn đề và đang nỗ lực giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Các chiến lược và kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên đã được áp dụng.
Tôi vui mừng nhìn thấy sự cởi mở của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tìm con đường phát triển bền vững. Trong năm 2020, HSBC đã lần đầu tiên cung cấp khoản tín dụng xanh cho một công ty Việt Nam là Duy Tân để xây dựng nhà máy tái chế nhựa. Cũng trong năm 2020, vào tháng 11, HSBC tiến hành cung cấp khoản tín dụng đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho hai công ty con của Ree, phục vụ cho dự án điện năng lượng mặt trời của họ.
Mặc dù Việt Nam không thể thực hiện các gói kích thích tài khóa lớn, nhưng Việt Nam đã đưa ra một số hỗ trợ có mục tiêu và ngắn hạn, chủ yếu bao gồm hoãn thuế và gói an sinh xã hội trực tiếp cho các hộ nghèo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam gần đây đã đề xuất gói kích thích thứ hai, bao gồm hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực hàng không (trị giá 11 ngàn tỷ VND) và du lịch, cũng như gói an sinh xã hội hơn 3,6 ngàn tỷ đồng.
Với mức độ nhỏ hơn nhiều so với gói kích thích đầu tiên, chúng tôi không kỳ vọng gói kích thích lần này sẽ có tác động đáng kể đến tình hình tài khóa tổng thể của Việt Nam. Chính phủ dự kiến mức thâm hụt ngân sách ở mức 5-5,6% GDP, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi nhưng vượt mục tiêu ban đầu là 3,4%. Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu bội chi ngân sách bình quân khoảng 3,7%, cụ thể năm 2021 là 4% trước khi giảm xuống còn 3,4% vào năm 2025.
Đáng chú ý là Chính phủ đã đưa ra mục tiêu khiêm tốn là tăng 1,4% chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2021. Điều này cho thấy khả năng Chính phủ không sử dụng ngân sách công để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn mà sử dụng hình thức hợp tác công tư PPP, đây là một mô hình lý tưởng để Việt Nam cân đối giữa mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng và ngân sách tài khóa hạn hẹp. Trên thực tế, Chính phủ đã tìm kiếm sự hỗ trợ song phương và đa phương từ Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ngân hàng Thế giới WB.
Có thể bạn quan tâm
Quốc hội Mỹ hợp lực cứu nền kinh tế vượt khỏi khủng hoảng COVID-19
14:07, 06/02/2021
Nền kinh tế đạt kết quả khả quan ngay trong tháng đầu năm
17:15, 02/02/2021
TS Nguyễn Văn Đáng: “Nền kinh tế số không thể thiếu những nhà lãnh đạo và quản lý kỹ trị”
11:34, 28/01/2021
Tăng trưởng lĩnh vực đầu tư và dịch vụ sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế những năm tới
04:15, 22/01/2021
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển
03:58, 17/01/2021