Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (kỳ III): Những ưu tiên phát triển dài hạn
Việt Nam cần vạch ra ưu tiên trong những năm tới mà trọng tâm là tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước hội nhập, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ số.
Đầu năm 2021, các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã thông qua chiến lược mới cho giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo từ năm 2021 - 2030. Mặc dù đã gặt hái được nhiều thành công trong những thập kỷ qua, nhưng các cấp có thẩm quyền cũng nhận thức được rằng mô hình tăng trưởng cần được điều chỉnh do những thay đổi về bối cảnh trong nước và quốc tế.
Nếu hành trình từ nghèo đến thu nhập trung bình diễn ra nhờ tích lũy thêm vốn vật chất và vốn nhân lực bên cạnh sử dụng tài nguyên thì giai đoạn quá độ từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao chủ yếu được thực hiện qua sử dụng nguồn lực hiện có đảm bảo hiệu suất. Người lao động cần có kỹ năng cao hơn, doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo nhiều hơn, và chính phủ phải khéo léo hơn trong quản lý kinh tế.
Chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu suất cũng là nguyên nhân đằng sau thành công của Hàn Quốc trong đầu thập kỷ 1990, khi quốc gia đó có khả năng chuyển dịch các động lực tăng trưởng kinh tế chính của họ từ tích lũy vốn vật chất sang phát triển vốn con người và nâng cao năng suất.
Do đó, Ngân hàng Thứ giới (WB) nhận định, trong chiến lược mới của mình, Việt Nam vạch ra ưu tiên trong những năm tới. Trọng tâm dự kiến sẽ nhằm vào tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước hội nhập với thị trường khu vực vào toàn cầu, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ số, đồng thời cải thiện quản lý tài nguyên của quốc gia.
Ba ưu tiên nêu trên không hoàn toàn mới, nhưng đang được khủng khoảng COVID-19 đẩy nhanh hơn. Đại dịch đã và đang tiếp sức cho các lực đẩy hiện đã tác động đến nền kinh tế thế giới, đẩy nhanh những chuyển đổi về thương mại, công nghệ và chính sách kinh tế.
WB đánh giá, nếu được quản lý tốt, Việt Nam sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau khủng hoảng COVID-19. Nhờ quản lý đại dịch xuất sắc, quốc gia có điều kiện mở rộng dấu ấn của mình trong nền kinh tế thế giới thông qua nắm bắt được thị phần lớn hơn trên toàn cầu về thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020.
Các chuỗi giá trị toàn cầu được phục hồi sẽ đem lại cơ hội đặc thù để Việt Nam tự định vị bản thân, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế và chính phủ các quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa nguồn sản xuất của họ.
WB nhận định, động thái trên đã diễn ra trong thực tế khi một số công ty đa quốc gia hiện tại đang dịch chuyển một phần các cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, còn các doanh nghiệp mới cũng đang quan tâm và mong muốn dịch chuyển sang một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Thách thức của Việt Nam không nhất thiết là thu hút thêm nhà đầu tư mà là tối ưu hóa tác động cộng hưởng với các nhà cung cấp và phân phối trong nước để phục vụ cho thị trường trong nước ngày càng lớn mạnh, qua đó tạo điều kiện lan tỏa về công nghệ và năng lực.
Nhận định nền kinh tế của ngày mai là nền kinh tế không cần tiếp xúc trực tiếp, WB đánh giá, mặc dù có người cho rằng Việt Nam vẫn đi sau các quốc gia phát triển về công nghệ số, nhưng khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra xúc tác.
Rõ ràng, trong những tháng qua, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh phát triển công nghệ số khi khách hàng của họ chuyển từ bán lẻ trực tiếp sang thương mại điện tử. Trên một nửa các doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng các nền tảng và công cụ số hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy nhanh những nỗ lực của mình trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11/2020, qua tăng 11 lần số lượng các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp vào Cổng Dịch vụ Quốc gia.
WB cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cũng ngày càng nhận thức được rằng tương lai của Việt Nam đòi hỏi phải quan tâm hơn nữa đến quản lý nguồn tài nguyên của quốc gia và những rủi ro liên quan đến khí hậu.
Tuy nhiên, mặc dù có cam kết chung, nhưng khác với tiến trình hội nhập và áp dụng công nghệ số, Việt Nam vẫn chưa đẩy nhanh triển khai nghị trình hết sức quan trọng này. Phần tiếp theo sẽ tìm hiểu lý do tại sao những vấn đề trên chưa được coi là cấp thiết và kiến nghị về một số biện pháp, được đúc rút từ bài học kinh nghiệm thành công với COVID-19, nhằm xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường của quốc gia.
Dựa trên bài học từ COVID-19, ưu tiên trước mắt của Chính phủ là tạo điều kiện cho hoạt động thử nghiệm và đổi mới sáng tạo thông qua áp dụng bốn nguyên tắc. Một là sử dụng ưu đãi khéo léo để tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ chính phủ. Hai là coi trọng tâm lý ngại chế tài. Ba là tạo lòng tin của người dân với các nhà hoạch định chính sách, cách thức và thể chế hoạch định chính sách. Những điều này phụ thuộc vào cách hành xử của chính Chính phủ. Bốn là thông tin, truyền thông rõ ràng, minh bạch và sâu rộng về hành động và kết quả. Có như vậy, mọi người mới thấy rằng tất cả vì lợi ích chung.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (kỳ II): Quản lý rủi ro khu vực tài chính
16:28, 11/02/2021
Kinh tế Việt Nam “năm COVID thứ hai” (Kỳ I): Cơ hội trước thách thức lớn
04:00, 11/02/2021
Kinh tế Việt Nam năm COVID thứ nhất (Kỳ III): Kết hợp biện pháp tài khoá “mạnh tay”
05:00, 24/12/2020