Lạm bàn về kinh tế học

TS. NGÔ TỰ LẬP - Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN 17/02/2021 11:00

Cứ mỗi lần nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, người ta lại đặt ra câu hỏi: Các nhà kinh tế học ở đâu? Tại sao họ không dự báo được các cuộc khủng hoảng ấy?

Đó cũng chính là câu hỏi mà Nữ hoàng Anh đặt ra với các giáo sư kinh tế học của Trường Kinh tế London (London School of Economics) khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra. Câu trả lời của chúng tôi là: kinh tế học hiện đại đã đi vào con đường sai lầm. Sai lầm từ gốc. 

Hai giả định lớn

Không cần phải có kiến thức quá chuyên sâu để nhận thấy rằng hai khuynh hướng bao trùm của kinh tế học hiện đại là ứng dụng toán học để xây dựng các mô hình. Tham vọng của các nhà kinh tế học là biến kinh tế học thành một ngành khoa học khách quan, thuần túy, tương tự như các ngành khoa học tự nhiên. Tham vọng này thật ra là chung cho tất cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn: người ta cố gắng sao chép các phương pháp của khoa học tự nhiên để đạt được tính khách quan “tuyệt đối”. Điều này phần nào giải thích tại sao các hội thảo kinh tế, văn hóa, xã hội, và thậm chí cả nghệ thuật… ở Việt Nam vẫn thường được gọi là “Hội thảo khoa học”.

Để xây dựng các mô hình như vậy, kinh tế học hiện đại dựa trên hai giả định lớn. Giả định thứ nhất là giả định về nền kinh tế như là một hệ thống, hay cấu trúc, đóng kín, với những quy luật ổn định và những biến số có thể đo đạc bằng các phương pháp đặc thù của một chuyên ngành có tên là “Kinh trắc học” (Econometrics).

Giả định thứ hai là giả định về con người với tư cách là những động vật duy lý và hám lợi. Khái niệm “Con người kinh tế” (Homo economicus) hàm ý rằng con người luôn luôn có xu hướng tối đa hóa các lợi ích kinh tế. Khái niệm “Con người duy lý” hàm ý rằng con người luôn luôn có khả năng sử dụng lý trí của mình để lựa chọn và tối đa hóa các lợi ích kinh tế như vậy.

Dĩ nhiên, các giả định nói trên đều ít nhiều có lý, và các phương pháp toán học mà các nhà kinh tế học áp dụng đều ít nhiều có ích cho những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể. Nhưng về đại thể, các nghiên cứu kinh tế dựa trên, và xuất phát từ, hai giả định này đều ngày càng dẫn kinh tế học vào con đường xa rời thực tiễn cuộc sống.

Kinh tế học hiện đại tự đặt ra những bài toán mới, xây dựng nên những mô hình mới, đôi khi rất đẹp nhưng chỉ thuần túy lý thuyết. Dựa trên những bài toán và mô hình đó, các nhà kinh tế học đưa ra đủ loại chỉ số, kết luận và dự báo về tăng trưởng, giá cả, lạm phát, xu hướng đầu tư… và nhiều thứ khác nữa theo cách không khác cách của các thầy bói là bao. Càng ngày, kinh tế học càng xa rời cuộc sống và càng gần với những ma thuật.

Lý do sâu xa của tình trạng này, theo chúng tôi, là tham vọng của các nhà kinh tế học trong việc bắt chước mù quáng các khoa học tự nhiên mà không phân biệt được sự khác nhau giữa đối tượng và thước đo của kinh tế học và đối tượng và thước đo của các khoa học tự nhiên, như vật lý học chẳng hạn. Đối tượng nghiên cứu của vật lý học là vật chất, vốn thay đổi vô cùng chậm. Đơn vị đo lường của các nhà vật lý cũng ổn định, dựa trên một đặc tính đồng nhất nào đó của thế giới vật chất. Chẳng hạn, người ta đo độ dài của các vật thể khác nhau bằng cách so sánh chúng với độ dài của một “thước mẫu quốc tế” mà từ năm 1983 được định nghĩa như là khoảng cách ánh sáng đi được trong chân không sau 1 phần 299792458 giây.

Tương tự như vậy, người ta đo khối lượng của một vật bằng cách so sánh nó với một khối lượng chuẩn (trong quá khứ, đó là khối lượng của một khối hợp kim Platinium-Iridium được lưu giữ trong điều kiện tiêu chuẩn tại Văn phòng cân đo quốc tế.

Đối tượng nghiên cứu của kinh tế học là gì? Với Adam Smith, đó là “khoa học về của cải, nghiên cứu quá trình sản xuất, tiêu thụ và tích lũy của cải”. Với Marshall, kinh tế học là ngành “nghiên cứu con người khi họ sống, di chuyển và tư duy trong đời sống kinh doanh thông thường”.

Theo từ điển Merriam - Webster, kinh tế học là một môn khoa học xã hội nghiên cứu sự sản xuất, trao đổi và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Chúng ta có thể trích dẫn nhiều định nghĩa khác để thấy rằng kinh tế học không có một đối tượng nghiên cứu xác định và đồng nhất. Nhưng dù là gì đi nữa, đối tượng nghiên cứu của kinh tế học vẫn không phải là những hệ thống đóng kín và ổn định. Hơn nữa, đó không phải là những phức hợp vật chất, mà là những phức hợp do con người trừu tượng hóa, với vô số những biến số xã hội và tự nhiên không thể lường trước được.

Ước tính của các định chế tài chính về những thiệt hại của kinh tế toàn cầu năm 2020.

Ước tính của các định chế tài chính về những thiệt hại của kinh tế toàn cầu năm 2020.

Sai lầm đến từ "sự đơn giản hoá" 

Đại lượng trung tâm mà các nhà kinh tế học có tham vọng đo đạc một cách khách quan và chính xác là giá trị bằng một công cụ đặc biệt là tiền. Nhưng quan niệm về tiền như là một thước đo giá trị khách quan chỉ là một ảo giác. Bởi lẽ, tiền là một kiến tạo xã hội. Nó không có giá trị tự thân. Vì vậy, chúng ta thấy các chính phủ và các chuyên gia bàn đến chuyện điều tiết tỷ giá, lạm phát, phá giá tiền tệ…

Nhưng cả trường hợp tiền có thể đóng vai trò một thước đo trung tính, việc đo giá trị của hàng hóa và dịch vụ một cách khách quan cũng chỉ là một ảo giác. Giá trị của hàng hóa và dịch vụ, cũng như mọi hiện tượng tư tưởng khác, có bản chất xã hội, vì thế nó không ổn định, mà luôn luôn biến động, phụ thuộc nhiều yếu tố. Điều này được Voloshinov phân tích rất hay trong cuốn “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ”.

Để minh họa, chúng ta xét ba loại túi là Hadoda (Đồ da Hà Nội), Sadoda (Đồ da Sài Gòn) và Louis Vuitton. Ở điểm xuất phát, các nhãn hiệu này đơn thuần mang tính kỹ thuật, giúp ta nhận diện và phân loại chúng cho những công việc cụ thể: người thủ kho xếp chúng vào các ngăn riêng, nhân viên ngành thuế xác định loại và mức thuế…
Việc phân loại chúng chỉ phụ thuộc vào những đặc điểm vật lý của chúng (màu sắc, hình ảnh, kiểu chữ...) mà không phụ thuộc vào bối cảnh và người nhận diện chúng. Tuy nhiên, vẫn là những nhãn hiệu ấy, trong một cộng đồng người, lại mang những ý nghĩa khác nhau, từ đó chúng có giá trị khác nhau: đẹp hay xấu, sang trọng hay quê mùa…

* Giá trị của các nhãn hiệu trước hết phụ thuộc vào người tiếp nhận: Nam giới chẳng mấy ai quan tâm, còn nữ giới cũng quan tâm ở mức độ khác nhau tùy theo tuổi tác và sức khỏe, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội.

* Giá trị của chúng còn phụ thuộc vào số lượng và quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng: Càng nhiều người quan tâm, giá trị của chúng càng cao.

* Giá trị cũng phụ thuộc vào tình huống tiếp nhận. Khi đối mặt với nguy cơ cái đói, điều quan trọng không phải là nhãn hiệu nào, mà là cái túi nào bền hơn, chứa được nhiều gạo hơn. Các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan có thể coi nhãn hiệu Louis Vuitton là biểu tượng của Phương Tây sa đọa, trong khi các cô gái thành thị ở Việt Nam hay Trung Quốc đầu thế kỷ XXI lại khao khát sở hữu nó để thể hiện sự sành điệu.

* Chưa hết, giá trị của một nhãn hiệu chỉ có thể có khi dựa trên sự hiện hữu của các nhãn hiệu khác. Nếu chỉ có một nhãn hiệu duy nhất, nhãn hiệu đó không còn giá trị.

Như vậy từ đối tượng, phương pháp, đến công cụ của kinh tế học hiện đại đều có vấn đề. Nó đang đi trên một còn đường được định hướng sai lầm ngay từ đầu. Sai lầm đó đến từ sự đơn giản hóa, hay nói đúng hơn là vật hóa con người. Con người, nói như Marx, là tổng hòa các quan hệ xã hội. Kinh tế học dĩ nhiên có vai trò của nó. Nhưng trong mọi trường hợp, kinh tế học cần phải từ bỏ tham vọng bắt chước khoa học tự nhiên để là chính nó – đó là nhân học.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế học: Vì sao niềm kiêu hãnh về một môn khoa học quyền lực và đỉnh cao bị nghi ngờ?

    Kinh tế học: Vì sao niềm kiêu hãnh về một môn khoa học quyền lực và đỉnh cao bị nghi ngờ?

    07:35, 04/10/2020

  • Nobel Kinh tế 2017: Tâm lý và kinh tế học hành vi

    Nobel Kinh tế 2017: Tâm lý và kinh tế học hành vi

    16:45, 10/10/2017

  • Nhà kinh tế học người Mỹ Richard Thaler đoạt giải Nobel kinh tế

    Nhà kinh tế học người Mỹ Richard Thaler đoạt giải Nobel kinh tế

    09:23, 10/10/2017

TS. NGÔ TỰ LẬP - Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN