Nét phác họa đầu tiên bức tranh kinh tế 2021 (Kỳ 2): Thương mại hàng hóa đạt tăng trưởng kỷ lục

THY HẰNG 19/02/2021 05:01

Thay vì vui mừng vì xuất khẩu tăng nhanh trong tháng đầu năm 2021, nhiều lo ngại dấy lên về việc Việt Nam có thể trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc.

Kim ngạch xuất nhập khẩu (Tỷ USD, SA)

Kim ngạch xuất nhập khẩu ( đơn vị: Tỷ USD, SA).

LTS: Nền kinh  tế tiếp tục phục hồi trong tháng 1/2021 với tăng trưởng vững chắc về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, cũng như kết quả tốt từ khu vực kinh tế đối ngoại - xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa... Tuy nhiên, cần thêm thời gian để định lượng các tác động trước diễn biến mới song nền tảng vĩ mô sẽ tiếp tục được củng cố tạo ra bước đệm để Việt Nam đối phó với các rủi ro bên trong lẫn bên ngoài.

Tiếp theo nét phác hoạ về sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ, Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 2/2021 vừa phát hành được Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, thương mại hàng hóa đạt tăng trưởng kỷ lục vào tháng 01/2021 tiếp tục đi theo quỹ đạo trong thời gian gần đây.

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa (SA) tăng lần lượt 51,8% và 41,8% (so cùng kỳ năm trước). Thặng dư thương mại hàng hóa tháng 1 ước đạt 1,1 tỷ USD theo số liệu sơ bộ.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép và một số nông sản bắt đầu phục hồi, trong khi kim ngạch các mặt hàng điện thoại, máy tính và điện tử tiếp tục tăng mạnh trong tháng 01/2021. 

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc trong năm 2020 trong khi xuất khẩu sang EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc phục hồi mạnh mẽ. Tương tự, nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN và Hoa Kỳ cũng tăng, tương tự như nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và EU. 

Cùng với đó, trái với việc tăng trưởng của xuất khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại chững lại trong tháng 01/2021.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Tỷ USD, NSA)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Tỷ USD, NSA).

Theo đó, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 2,0 tỷ US$ trong tháng 01/2021, thấp hơn 3,9% so với tháng trước, và thấp hơn 62,2% so với tháng 01/2020. Mức giảm trên chủ yếu là do giảm đầu tư mới (70,3%) và mua lại sát nhập (58,7%), trong khi đầu tư tăng thêm tăng 41,1%. Dòng vốn FDI đổ vào mạnh trong tháng 01 năm 2020 chủ yếu nhờ một dự án ngành khí đốt. 

Gần đây đã có một số lo ngại liên quan việc tăng trưởng mạnh của cùng một số mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đồng thời nhập khẩu tăng từ Trung quốc như mặt hàng linh kiện điện tử khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc.

Trong hai báo cáo gần đây, Viện Nghiên cứu  cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) liên tục đưa ra cảnh báo, Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Do các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Mỹ chủ yếu là máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác.

Trong khi Việt Nam lại nhập khẩu nhiều các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc. Vì thế, tất cả những con số thống kê nêu trên về sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng (như linh kiện điện tử) nhiều khả năng chỉ chỉ thuần túy là tạm nhập tái xuất, hoặc chỉ thực hiện gia công lắp ráp để xuất khẩu chứ không phải do khu vực sản xuất trong nước mở rộng.  

Có thể bạn quan tâm

  • Nét phác họa đầu tiên bức tranh kinh tế 2021: (Kỳ 1) Những diễn biến kinh tế mới

    05:00, 18/02/2021

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng 2021

    18:16, 18/02/2021

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam: Nhiều thách thức phải vượt qua

    18:12, 18/02/2021

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cơ hội từ khủng hoảng

    18:08, 18/02/2021

  • Động lực kinh tế tư nhân (Kỳ 5): Khẳng định vị thế “sếu đầu đàn”

    04:00, 18/02/2021

  • Nikkei Asia cập nhật dự báo tăng trưởng GDP các nền kinh tế Đông Nam Á

    11:00, 17/02/2021

THY HẰNG