Đề xuất giảm 12-17% giá FIT điện gió (Kỳ II): Mức nào phù hợp với nhà đầu tư?
Mức đề xuất giảm giá FIT điện gió sau ngày 1/11/2021 từ 12-17% của Bộ Công Thương đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về bài toán đầu tư.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc CTy CP TTP Phú Yên (TTPPY) nhận định, mức giá FIT với điện gió đang được Bộ Công Thương đề xuất có mức giảm sâu sẽ là khó khăn lớn với doanh nghiệp.
- Văn bản mới đây của Bộ Công Thương đã đề xuất gia hạn giá FIT với điện gió. Đồng thời đề xuất mức giảm sau đó là từ 12-17%, doanh nghiệp nhận định thế nào về đề xuất mức giảm này?
Hiện nay, giá FIT áp dụng cho điện gió đã được kéo dài tới ngày 31/10/2021. Do ảnh hưởng của COVID thời gian vừa qua và những khó khăn trong thực tế triển khai của nhà đầu tư các dự án điện gió, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Thủ tướng kéo dài thời gian giá FIT-1 và đang được Chính phủ xem xét.
Chúng tôi biết Bộ Công Thương đã có tham khảo ý kiến của các bên, các chuyên gia, các tổ chức tư vấn quốc tế trước khi đưa ra mức giảm 12-17% này. Tuy nhiên, với dự án điện gió có mức đầu tư lớn, việc giảm trang thiết bị không được nhiều và nhanh như điện mặt trời, lại thêm tác động của COVID-19 thì mức giá giảm gần 20% là mức giảm sâu, sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp.
Bộ Công thương đề xuất các dự án vận hành từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022 sẽ áp dụng mức giá mua vào 7,02 cents/kWh cho điện gió mặt đất (giảm khoảng 17% so với giá FIT trước đó là 8,5 cents/kWh) và 8,47 cents/kWh cho các điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ (giảm khoảng 13% so với giá FIT trước đó là 9,8 cents/kWh).
Các dự án vận hành từ năm 2023 sẽ áp dụng mức giá lần lượt 6,81 cents/kWh và 8,21 cents/kWh.
- Vậy việc giảm giá sâu như ông nói sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp, thưa ông?
Xét trên góc độ nhà đầu tư như tôi đã nói, mức giảm sâu đến 17% có thể làm thay đổi bài toán đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư của Việt Nam thường thay đổi khá nhanh, việc thay đổi giá FIT có thể nhanh chóng được thực hiện.
Trong khi đó, chúng ta chưa có lưới truyền tải chưa đồng bộ cùng hệ thống, sẽ gây rủi ro. Tất cả những điều này sẽ kéo theo việc cân nhắc của các tập đoàn lớn trên thế giới khi muốn đầu tư vào Việt Nam.
- Bên cạnh lo lắng về chính sách giá FIT, nhà đầu tư còn lo ngại vấn đề gì, thưa ông?
Cũng như chính sách với giá FIT, doanh nghiệp rất lo ngại tính ổn định của chính sách đầu tư tại Việt Nam. Bản thân phía Tập đoàn B.Grimm Power - đơn vị đầu tư cho Nhà máy điện Hoà Hội cũng “sốt ruột” tham khảo ý kiến chúng tôi về việc tăng đầu tư vào từ năm 2020, tuy nhiên họ còn nhiều quan ngại về rủi ro pháp lý cộng với hiện trạng lưới điện của Việt Nam. Trong khi việc sử dụng pin dự trữ lại tốn kém và nhiều rủi ro. Chúng tôi không quan ngại về tài chính mà lại lo lắng về rủi ro pháp lý. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có chính sách đồng bộ hơn cho pháp triển dự án năng lượng tái tạo, tạo yên tâm cho nhà đầu tư phát triển tại Việt Nam.
- Vậy doanh nghiệp năng lượng tái tạo như TPP có kiến nghị hay đề xuất gì, thưa ông?
Ở góc độ là nhà đầu tư chúng tôi cũng hi vọng giá FIT1 được kéo dài, chúng tôi đề xuất kéo dài giá FIT-1 thêm ít nhất 1 năm nữa đến 31/10/2022 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và đánh giá kỹ bài toán đầu tư. Nếu không thì mức giảm chỉ nên ở dưới 10%, đồng thời kéo dài áp dụng giá FIT-2 tới 2022-2023.
Doanh nghiệp mong muốn sớm đẩy mạnh mạng lưới truyền tải bao gồm truyền tải quốc gia và truyền tải địa phương.
Đồng thời mong muốn được Chính phủ hỗ trợ trong giãn nợ, cũng như cắt giảm một số khoản thuế vay-nhập. Chúng tôi rất vui mừng khi Chính phủ thông qua đề xuất không mua điện từ Trung Quốc trong suốt năm 2021. Những chính sách tương tự, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp cần được xây dựng.
- Ông vừa nhắc tới vấn đề mạng lưới truyền tải, vậy doanh nghiệp tư nhân như TPP có dự kiến đầu tư vào mạng lưới truyền tải?
Bản thân những doanh nghiệp đầu tư lưới truyền tải như Trung Nam vẫn phải cắt giảm công suất, đây là khó khăn chung. Rõ ràng đây là mong muốn của nhiều doanh nghiệp, các doanh nghiệp hiện vẫn mong muốn chủ động lưới để hoà lưới điện quốc gia. Nhưng còn nhiêu yếu tố pháp lý liên quan vận hành lưới và trạm đó sau khi doanh nghiệp tư nhân xây dựng, chất lượng lưới truyền tải, chứ không đơn thuần là câu chuyện vốn cho đầu tư lưới. Doanh nghiệp mong muốn tính pháp lý và ràng buộc cần chặt chẽ hơn.
Nhiều nước trên thế giới đã cho doanh nghiệp tư nhân làm lưới, thậm chí cho bán lẻ điện, đây là câu chuyện trước sau chúng ta sẽ làm, câu chuyện là chế tài giám sát và quản lý. Chúng ta cần tận dụng tất cả các nguồn lực cho phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất giảm 12-17% giá FIT điện gió (Kỳ I): Nguy cơ chệch hướng tăng trưởng điện gió dài hạn
11:00, 22/02/2021
Cơ chế giá điện chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư
02:00, 08/02/2021
Năm 2021 cần “tăng tốc” phát triển điện gió
02:00, 16/01/2021
Bộ Công thương kiến nghị giảm 12-17% giá FIT điện gió sau ngày 1/11/2021
10:25, 22/12/2020
GWEC cảnh báo chu kỳ “bùng nổ - phá sản” của điện gió
04:30, 06/12/2020